Cụ quản lý theo đơn vị lên Lào. Bẵng đi mấy năm, Soan bỗng lù lù
cõng ba lô bước vào mặt trận bộ, chìa ra cái chứng minh thư ghi chức vụ y
tá, cấp tiểu đội phó. Ông cụ đeo kính đọc giấy, lại gỡ kính ra nhìn con, buột
mồm: "Đồng chí... mày nhớn thế kia à?".
Ít lâu sau, cụ được giải ngũ về làm chủ tịch xã. Cụ dặn Soan:
- Tao gửi mày cho anh Tuyên đấy. Anh ấy vào bậc cha chú, bảo mày
phải nghe. Muốn tính đường chồng con cũng phải "thông qua" anh ấy, kẻo
rồi đi một về ba là tao không tán thành.
Soan đang khóc thút thít cũng bật cười, nguây nguẩy:
- Ứ ừ, con chả đâu.
- Chả với nem gì? Anh Tuyên còn sáng suốt hơn bố mày...
- Là con chả lấy chồng đâu. Con đợi độc lập cơ!
Trước khi Soan đến mặt trận bộ, Tuyên có một cái thú riêng. Cách cơ
quan của anh hai cây số có một ngã tư. Rẽ bên trái là vào bệnh xá, rẽ bên
phải là vào xưởng sửa chữa vũ khí. Đi công tác về, Tuyên thường rẽ sang
phải. Anh nghiện cái mùi dầu cháy hăng nồng, tiếng giũa sắt rin rít, ánh lửa
máy mài xòe như pháo hoa cải. Bước vào xưởng, tay anh bắt đầu ngứa.
Anh lân la hỏi chuyện, rồi vớ cái đục, đục luôn một cái cần bật lựu đạn trên
mẩu tôn thừa, nhát đục cắn nhau liền như giập máy. Có khi say việc, anh ở
mãi đến tối để cãi nhau với anh em quân giới về cách chữa đạn phóng bom
mười một cân thành mìn giật, về một kiểu ngòi nổ chậm dùng thuốc nhỏ
mắt thay axít, về cái hạt nổ đạn đại liên Hốt kít không chịu "ăn" kim hỏa
súng trường Anhđôsinoa. Máu thợ nguội trong người anh hay bốc như thế.
Vào xưởng máy là anh quên hết, chỉ còn nhớ đến hai bàn tay mình đã đục,
giũa, cưa, phay, tiện trong nhà máy xe lửa Gia Lâm trước Cách mạng, cho
đến ngày mật thám soát thấy bó truyền đơn buộc vào túi.