- Không thèm bắt nữa thì thôi! Tao cũng cóc cần thứ trọng tài như mày!
Lời nói tàn nhẫn của đối thủ như ngọn roi quất vô lưng thằng Tân khiến nó quay lưng đi
thẳng ra ngoài sân, không thèm nói nữa câu. Thấy trận đấu có nguy cơ bị hỗn loạn vì thiếu
trọng tài, đội trưởng hai đội vội vàng chạy lại níu tay Tân rối rít xin lỗi:
- Thôi, còn có mấy phút nữa, mày ráng bắt giùm cho hết trận đi!
- Bỏ qua đi, chấp nhứt chi thằng đó!
Tân mặt hầm hầm:
- Nó còn kêu tao là thứ này thứ nọ ...
Để lấy lòng vị trọng tài khả kính, thằng Sinh quay lại phía hậu vệ đội nhà, hét bằng giọng
giận dữ:
- Đá bóng mà cãi trọng tài hả? Tao thay đứa khác vô bây giờ!
Tên hậu vệ kia tính ngoác miệng cãi lại đội trưởng thì bỗng thấy đội trưởng nháy mắt với
mình. Nó biết ngay là người đội trưởng thân yêu của nó chỉ la giả vờ thôi, vì vậy nó cũng giả
vờ im lặng như biết lỗi.
Tự ái được xoa dịu, thằng Tân hủy bỏ quyết định cứng rắn vừa rồi và đồng ý ở lại giúp đỡ
hai đội đến mãn cuộc. Để sự ở lại của mình có giá trị, nó làm bộ miễn cưỡng:
- Thiệt, tao nể tụi mày lắm...
Lần này, trọng tài không còn hào hứng và tự tin vô tài năng của mình như trước. Trọng tài
vẫn chạy theo bóng, vẫn tích cực bám sát trận đấu nhưng cảm thấy đôi mắt mình bất lực
trước những cú sút nhanh hay trước những pha xô xát đông người, không còn nhận ra lỗi
nào của cầu thủ nào nữa. Càng về cuối, trận đấu càng quyết liệt, trọng tài càng quay cuồng
theo cơn lốc trên sân. Bây giờ Tân mới thực sự hiểu ra làm trọng tài không phải dễ nếu
không muốn nói là cực kỳ khó. Khi ngồi ngoài sân với tư cách khá giả, không có một trách
nhiệm trực tiếp nào trên sân, nó cảm thấy đôi mắt nó sao mà tinh tường đến thế: nó có thể
trông rõ mồn một mọi diễn biến của trận đấu, trong khi đó trọng tài nhiều khi tỏ ra rất "gà