hậu trong một cuộc thi sắc đẹp của thành phố. Trong cách miêu tả của tác
giả có một điều đáng nói là, ở đây không có những kẻ xấu, kẻ ác như thói
thường vẫn nghĩ. Trên đường đời Vương Kỳ Dao đã gặp những người có
tâm, không ít thì nhiều yêu nàng, cảm phục trước sắc đẹp và vẻ lịch lãm của
nàng. Mà bản thân con người này cũng nhân hậu, biết điều, một thứ con nhà
lành, nhạy cảm với những gì tốt đẹp quanh mình, nhẫn nhục trước hoàn
cảnh, nói chung là không nhiều thói xấu và cả sự dại dột vẫn thấy ở nhiều
phụ nữ xinh đẹp. Vậy mà con người ấy trước sau vẫn bất hạnh và cái chết
oan nghiệt cuối cùng đã thực sự là một sự giải thoát, nếu không thì những
ngày tiếp theo ấy còn đau khổ không biết đâu là cùng! Phải chăng đường
đời của Vương Kỳ Dao đã bao hàm những nét làm nên số phận chung của
người đẹp ở mọi thời đại?
Phải thú thực rằng, giữa đời sống bận rộn thường ngày, bản thân tôi vẫn
thường để một ít thời gian làm cái công việc tưởng như vô bổ là, một cách
rất vô tư, nghĩ về những người đẹp ở cái thành phố mà tôi lớn lên và nay
đang sinh sống để cùng vui buồn trước những thăng trầm trong cuộc đời họ.
Và thật kỳ lạ, thường tôi có cảm tưởng trừ những vẻ đẹp kiểu Thúy Vân
không kể, còn lại phần lớn những người đẹp ấy khổ, người càng sắc sảo
càng khổ, mà không ai tìm được lý do cắt nghĩa tại sao lại khổ đến vậy. Bạn
đọc thân mến, không cần tự giấu mình làm gì, có phải chính bạn cũng
thường có lúc vơ vẩn nghĩ về những con người xa lạ mà rất gần gũi ấy và
bạn cũng chia sẻ với tôi điều thắc mắc nói trên? Nếu vậy, xin bạn hãy thanh
thản giở tiếp những trang sách sau đây để đọc đến dòng cuối cùng. Tác giả
tiểu thuyết Trường hận ca không định bảo ban, khuyên răn ta điều gì, mà
chỉ đơn giản ghi lại cuộc đời một con người vừa may mắn, vừa không may
là đã trót xinh đẹp hấp dẫn để chúng ta cùng ngẫm nghĩ.
Tên sách Trường hận ca tác giả mượn từ tên một bài thơ dài của Bạch Cư
Dị (772 - 846) kể về mối tình bi thảm gữa Đường Minh Hoàng và Dương
Quý Phi. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, nguyên tác Trường hận ca có phần
hay hơn Tỳ bà hành của cùng một tác giả. Đã có nhiều bản dịch bài thơ
Trường hận ca ra tiếng Việt, nổi tiếng nhất là bản dịch của thi sĩ Tản Đà.