Khi tôi còn nhỏ, cô tôi thường cho tôi ăn của ngọt. Khi ấy răng tôi còn
chịu đựng được của ngọt và chưa bị hỏng. Tôi lớn lên, trở thành sinh viên.
Cô tôi vẫn thường cho tôi kẹo ngọt. Bà nói rằng tôi là một thi sĩ.
Đúng là tôi cũng mang chút ít chất thi sĩ trong người, nhưng chẳng được
bao lăm.
Khi dạo qua các phố, tôi luôn luôn có cảm tưởng như đang đi giữa một
thư viện vĩ đại. Tôi cảm thấy nhà cửa là những ô sách, các tầng gác là
những ngăn đựng sách. Chỗ này là một câu chuyện gia đình, chỗ kia là một
hý kịch cổ, trên tất cả các ngăn sách đều có những tác phẩm khoa học và tác
phẩm văn học, hay hoặc dở. Tôi có thể triết lý và tưởng tượng lung tung về
cái thư viện ấy. Đúng là tôi cũng mang chút ít chất thi sĩ trong người, nhưng
chẳng được bao lăm.
Khối người khác cũng mang trong người chất thi sĩ chẳng kém gì tôi,
nhưng họ chẳng đeo chiếc thẻ hoặc chiếc dây chuyền có khắc chữ: “Thi sĩ”.
Đối với họ cũng như đối với tôi, Thượng Đế đã phú cho một khiếu năng
vừa đủ với bản thân, nhưng không đủ để giúp ích cho đời. Hồn thơ thâm
nhập vào chúng tôi như một tia nắng, tràn ngập tâm hồn và tư tưởng chúng
ta, nó như hương thơm thấm vào lòng chúng ta, như khúc nhạc lôi cuốn
chúng ta, nhưng chúng ta không thể biết nguyên nhân từ đâu.
Tối qua, ngồi trong buồng, tôi muốn đọc nhưng chẳng có lấy một cuốn
sách hay một tờ báo trong tay.
Lúc đó, từ cây bồ đề, một chiếc lá xanh rơi xuống. Làn gió nhẹ đưa nó
qua cửa sổ vào đến tận bên tôi. Tôi ngắm nghía mảnh lá với những đường
gân xanh của nó. Một con sâu đang bò bên trên, chừng như đang chăm chú
nghiên cứu chiếc lá. Thấy thế, tôi liên tưởng đến sự hiểu biết của loài người.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng bò trên một chiếc lá cây. Chúng ta chỉ
biết chiếc lá thôi, nhưng không vì thế mà chúng ta không diễn thuyết được
rất hay về cây cối, về rễ cây, thân cây, cành lá và tất cả những gốc cây lớn,
cây nhỏ, cũng như nói về Thượng Đế, thế gian, sự bất tử, mà chúng ta
chẳng biết gì hơn là biết cây qua một chiếc lá nhỏ bé.
Tôi đang suy nghĩ đến đó, bỗng bà Mille của tôi đến chơi.