chợ như vậy. Đã có đôi lần, một vài chú bé khác xin đi thay, nhưng đứa nào
cầm đến chiếc bị của ông cụ cũng đều kêu nặng, không tài nào xách lên
nổi, cả những đứa lớn khỏe hơn Phát Giác rất nhiều cũng vậy. Chúng lấy
làm lạ hỏi ông cụ:
- Cụ ơi! Cụ bỏ cái gì vào trong bị mà nặng thế?
Ông cụ mở bị lôi ra quả bầu:
- Có gì đâu, chỉ có quả bầu lão đựng nước uống đi đường đấy mà.
- Thế sao Phát Giác nó xách nổi, mà chúng cháu xách không nổi?
- Chẳng phải thế, có lẽ Phát Giác nó xách quen rồi đấy thôi! - Ông cụ
trả lời qua quýt.
Bọn mục đồng không tin, nhưng cũng không hỏi thêm nữa. Chúng
nhìn theo ông lão bước đi thoăn thoắt và Phát Giác nhẹ nhàng theo sau mà
vừa lạ lùng, vừa thèm muốn. Hôm ấy, mãi đến xế chiều vẫn không thấy ông
lão và thằng bé về. Chúng chờ mãi không được, đuổi bò về cho Phát Giác
và đến kể cho gia đình nghe. Bố mẹ Phát Giác hoảng hốt chạy bổ đi tìm,
nhưng tìm khắp cả mọi nơi đều không thấy con đâu cả. Sáng hôm sau cũng
không thấy Phát Giác về. Liên tiếp đến hàng năm vẫn bặt tin tức. Mẹ Phát
Giác khóc lóc khổ sở, đành chịu mất con.
Nhưng thật ra, chiều hôm ấy, Phát Giác vẫn đi với ông lão. Ra đến
chợ, ông lão bảo Phát Giác đứng chờ, để ông lão đi bán thuốc. Mãi đến sẩm
tối mới thấy ông lão ra và hai ông cháu trở về. Thấy bạn bè đã về hết, Phát
Giác khóc và bảo ông cụ:
- Cụ dẫn cháu đi lâu thế này, về nhà mẹ cháu đánh cháu chết mất.
Ông cụ khuyên nhủ: