Bấy giờ, vương triều nhà Chu chỉ còn là cái xác không, các chư hầu cơ
bản không quan tâm đến công việc của Thiên Tử. Chu Ly Vương vừa mới
lên ngôi, thấy có sứ thần của một nước lớn như nước Tề đến chúc mừng,
đương nhiên là vô cùng mừng rỡ, bèn ủy thác cho Tề Hằng Công việc triệu
tập chư hầu và xác định địa vị đế vương của Tống Hằng Công.
Năm 681 trước công nguyên, Tề Hằng Công thừa lệnh Chu Thiên Tử,
thông báo với các chư hầu, hẹn ngày 1 tháng 3 thì đến dự bang hội ở Bắc
Hạnh của nước Tề, để cùng nhau xác định địa vị của vua nước Tống.
Nhưng vì bấy giờ Tề Hằng Công còn chưa có mấy uy tín, nên chỉ có bốn
nước chư hầu là Tống, Trần, Châu và Sái đến dự. Còn các nước Lỗ, Vệ,
Trịnh, Tào v v thì đều im lặng để chờ đợi xem sao. Tề Hằng Công cảm thấy
rất khó xử, định thay đổi lại ngày hẹn thì Quản Trọng khuyên rằng: "Bang
hội lần đầu tiên không thể thất tín. Nay đã có bốn nước tới đây, thì có thể
mở hội đúng thời hạn". Năm nước chư hầu hội kiến xong, đều nhất trí đề cử
Tề Hằng Công làm bang chủ và lập ra bang ước.
Sau bang hội, Tề Hằng Công dẫn quân tiêu diệt nước Toại, sau đó lại
đánh bại hai nước Lỗ và Trịnh, bức họ phải cầu hòa. Năm 679 trước công
nguyên, Tề Hằng Công lại hẹn với các nước mở bang hội ở Tăng Địa, lần
này các nước chư hầu trên cơ bản đã thừa nhận địa vị bá chủ của Tề Hằng
Công. Sau khi Tề Hằng Công làm bá chủ, các chư hầu đều định kỳ tiến
cống, duy có nước Sở thuộc miền đất hoang vu ở miền nam, vì không có
quan hệ vãng lai với các chư hầu ở Trung Nguyên, nên sau khi lớn mạnh
lên thì thủ lĩnh của họ đã coi khinh cả thiên tử, tự xưng là "Sở Vương".
Năm 656 trước công nguyên, Tề Hằng Công hợp quân 7 nước Tống,
Lỗ, Vệ, Trịnh, Trần, Tào và Hứa để thảo phạt nước Sở. Sở Thành Vương
được tin bèn lập tức điều động quân mã để kháng cự, rồi cử sứ giả đến
trách hỏi Tề Hằng Công rằng: "Sở ở miền nam, Tề ở phương bắc, hai nước
không có quan hệ vãng lai, nay cớ sao lại đến xâm phạm chúng tôi?". Quản
Trọng liền hỏi lại rằng: "Tuy hai nước cách xa nhau, nhưng chúng tôi đều là