Vũ là một người thông minh tài giỏi, chàng ta đã đúc rút bài học thất
bại của cha, trước tiên đi khảo sát các vùng bị lũ lụt. Sau đó mới đặt ra
nhiều biện pháp để dẫn nước lũ ra biển. Nhưng muốn dẫn nước lũ ra biển,
thì tất phải tìm ra đầu nguồn sông và nơi thoát lũ. Tức thì, ông liền cùng
người giúp việc vượt suối băng ngàn, trải qua muôn vàn khó khăn, tìm hiểu
rõ về dòng sông, rồi mới thiết kế quy hoạch trị thủy.
Vũ đầu đội nón, mình mặc áo vải thô, tay cầm mai dẫn đầu các sĩ tốt
cùng lao động với dân chúng, nào gánh đất khuân đá, đào mương xẻ lũ, nạo
vét lòng sông, dẫn nước chảy về xuôi. Ông bôn ba trên công trường trị thủy
trong 13 năm, quanh năm suốt tháng ngâm mình trong bùn nước, đến nỗi
móng chân và lông chân bị long rụng, nhưng ông vẫn mặc. Trong 13 năm
trời, có ba lần ông đi qua trước cửa nhà mình, mà vẫn chẳng lần nào ghé
thăm nhà, đã trở thành một giai thoại trong suốt mấy nghìn năm nay.
Vợ của Vũ là Đồ Sơn Thị, hai vợ chồng lấy nhau mới được bốn ngày
thì Vũ đã phải ra đi trị thủy. Trước khi ra đi Vũ đã dặn vợ rằng: "Nếu sau
này mình sinh được con trai thì hãy đặt tên con là Khởi, để kỷ niệm ngày
tôi khởi hành đi trị thủy".Về sau, cũng chính vào lúc Vũ đi qua trước cửa
nhà mình thì người vợ sinh được một mụn con trai, Vũ nghe tiếng con khóc
trong nhà rất muốn vào xem, nhưng lại nghĩ đến việc trị lũ còn chưa xong,
biết bao nạn dân đang phải lánh nạn trên đồi cao, nên đành dằn lòng quay
gót vội vã đi ngay.
Lao động không phụ lòng người, trải qua 13 năm lặn lội vất vả, lòng
sông đã được khơi thông, dòng lũ ngoan ngoãn chảy ra biển, dân chúng vui
vẻ trở về xây dựng cơ ngơi và cầy cấy trên đồng ruộng của mình, cuộc sống
lại yên lành như xưa. Nhằm kỷ niệm công lao trị thủy của Vũ, người đời
sau đã tôn xưng ông là "Đại Vũ".
Khi tuổi về già, Thuấn cũng như Nghiêu muốn tìm người nối ngôi
mình. Vì Vũ có công trong việc trị thủy, nên mọi người đều nhất trí tiến cử
ông. Bấy giờ, sức sản xuất xã hội đã phát triển mạnh, từ đó đã nảy sinh