Truyền kỳ mạn lục
NGUYỄN DỮ
NGUYỄN DỮ
Truyền kỳ mạn lục
Lời tựa
Nhà văn Việt Nam, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay thuộc Thanh Miện, Hải Dương.
Thuộc dòng dõi khoa hoạn, từng ôm ấp lý tưởng hành đạo, đã đi thi và có thể đã ra làm quan. Sau vì
bất mãn với thời cuộc, lui về ẩn cư ở núi rừng Thanh Hóa, từ đó "trải mấy mươi sương, chân không
bước đến thị thành". Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với thầy
học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ XVI và để
lại tập truyện chữ Hán nổi tiếng viết trong thời gian ở ẩn, Tryền kỳ mạn lục (in 1768, A.176/1-2).
Truyện được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính và Nguyễn Thế Nghi sống cùng thời dịch ra chữ nôm.
Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện, viết bằng tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện
thường có lời bình của tác giả, hoặc của một người cùng quan điểm với tác giả. Hầu hết các truyện
xảy ra ở đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ từ Nghệ An trở ra Bắc. Lấy tên sách là Truyền kỳ
mạn lục (Sao chép tản mạn những truyện lạ), hình như tác giả muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của
một người chỉ ghi chép truyện cũ. Nhưng căn cứ vào tính chất của các truyện thì thấy Truyền kỳ mạn
lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục... mà là một
sáng tác văn học với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Đó là một tập truyện phóng tác, đánh dấu bước phát
triển quan trọng của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán. Và nguyên nhân chính của sự
xuất hiện một tác phẩm có ý nghĩa thể loại này là nhu cầu phản ánh của văn học. Trong thế kỷ XVI,
tình hình xã hội không còn ổn định như ở thế kỷ XV; mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt, quan hệ xã
hội bắt đầu phức tạp, các tầng lớp xã hội phân hóa mạnh mẽ, trật tự phong kiến lung lay, chiến
tranh phong kiến ác liệt và kéo dài, đất nước bị các tập đoàn phong kiến chia cắt, cuộc sống không
yên ổn, nhân dân điêu đứng, cơ cực. Muốn phản ánh thực tế phong phú, đa dạng ấy, muốn lý giải
những vấn đề đặt ra trong cuộc sống đầy biến động ấy thì không thể chỉ dừng lại ở chỗ ghi chép sự
tích đời trước. Nhu cầu phản ánh quyết định sự đổi mới của thể loại văn học. Và Nguyễn Dữ đã dựa
vào những sự tích có sẵn, tổ chức lại kết cấu, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn
từ... tái tạo thành những thiên truyện mới. Truyền kỳ mạn lục vì vậy, tuy có vẻ là những truyện cũ
nhưng lại phản ánh sâu sắc hiện thực thế kỷ XVI. Trên thực tế thì đằng sau thái độ có phần dè dặt
khiêm tốn, Nguyễn Dữ rất tự hào về tác phẩm của mình, qua đó ông bộc lộ tâm tư, thể hiện hoài bão;