Truyền kỳ mạn lục
NGUYỄN DỮ
Sau lại nỡ cam tâm mà hàng giặc.
Gửi chiếc thân ở trong muôn chết,
Trải một ngày như thể ba thu.
Lặn suối trèo đèo,
Qua nguy vượt hiểm.
ép duyên toan nhắm mắt, giống sói khôn gần,
Qua ải muốn đưa chân, núi hồ (36) dễ cảm.
Bởi vậy, không ham thú sống,
Chẳng sợ ngục tù.
Lãnh lẽo trước đèn, hồn theo trống trận,
Bàng hoàng quán khách, mình gửi khăn là.
Nay thì linh tính tuy còn,
Tàn hình đã khác.
Cảm lòng chàng từ xa tìm đến,
Buồn nỗi mình biết nói làm sao?
Dám tỏ niềm riêng,
Kính xin soi xét.
Vợ chồng bèn cùng nhau âu yếm chuyện trò, y như lúc sống. Sinh nói:
- Nàng đã không may, vậy anh đem linh thần về, khỏi uổng một chuyến đi không lại trở về rồi.
Nàng nói:
- Thiếp rất cảm tấm thâm tình ấy. Song thiếp cùng hai vị mỹ nhân gần gụi lâu ngày, giao tình thân
mật, không nỡ một sớm bỏ đi. Phương chi chốn này nước non trong sáng, mây khói vật vờ, thần yên
phách yên, bất tất phiền chàng dời đổi nữa.
Sau khi gà gáy ba hồi, hai người vội cùng nhau đứng dậy từ biệt. Ngày hôm sau, Sinh đem mấy lạng
bạc, mua quan tài và nước thơm, cải táng cho nàng và cả hai mỹ nhân. Đêm sau mộng thấy ba người
đến tạ ơn, chàng đương toan lại cùng trò chuyện thì thoắt chốc cả ba đều biến mất.
Chàng buồn rầu quay về, từ đấy không lấy ai nữa.
Đến sau vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Sinh vì mối hờn oán cũ, đem quân ứng mộ, phàm
gặp tướng sĩ nhà Minh đều chém giết dữ dội cho hả. Cho nên vua Lê phá diệt quân Minh, Sinh có dự
nhiều công.
Lời bình:
Than ôi! điều tín ước gần với lẽ phải thì lời nói tất nên giữ đúng, nếu đối với lẽ phải mà chưa được
ổn thì sự giữ đúng không cần. Như chàng họ Lý kia, vì mối ân tình, giữ bền ước cũ, lưu ly hoạn nạn,
vẫn chẳng quên lời, tình thật đáng thương, mà lẽ phải thì chưa được ổn. Bởi sao? Cảm tình mà đi