- Tất nhiên rồi.
Anh thường bế chú bé lên, cùng lúc lấy ở túi dết mang theo, lúc là một
hộp bút chì màu, khi là một gói kẹo sữa.
- Lâm, cái thằng được anh quý hóa nhờn quá rồi đấy. Để mời anh vào
nhà chơi uống nước chứ!
Đó là lời trách của mẹ Hạnh. Mẹ Hạnh hồi đó mới ngoài bốn mươi.
Mảnh dẻ, thanh thoát, đoan trang, một vẻ đẹp cổ điển toát lên từ thần thái,
từ gương mặt tròn vạnh. Hai con mắt to hai mí. Một búi tóc tròn như một
dấu chấm sau gáy. Tấm áo lụa trắng thêu đăng ten ở viền cổ. Và bây giờ thì
khiếu năng thẩm mĩ tinh tế của bà đang được truyền lưu bảo hành tới Hạnh.
Hạnh óng ả tuổi thiếu nữ nhưng ý nhị và duyên dáng từ dáng hình
thanh nhã đến đôi môi có nụ cười hoa. Ôm giỏ ấm tích hãm nước vối thơm
thơm, mẹ Hạnh đi từ buồng trong ra, đặt nó xuống một chiếc bàn thấp kiểu
chân quỳ ở giữa căn phòng.
Đó là căn phòng vuông vức trong một ngôi nhà kiến trúc kiểu châu Âu
được xây cất từ hồi đầu thế kỉ trước. Sàn gỗ lim bóng loáng. Chiếc lò sưởi
xây lõm vào một bên tường nay là chỗ để bếp dầu và đồ gia dụng. Đối diện
với cái lò sưởi là bàn học và chiếc giường gấp của Lâm. Mẹ và Hạnh ở
cùng nhau trong căn buồng nhỏ sau lò sưởi. Khung cảnh sống thật gọn ghẽ,
thật tiêu biểu cho một gia đình nho nhỏ, có người cha đã tái ngũ khi cuộc
chiến tranh chống Mĩ bắt đầu.
- Em cho anh Nam xem tranh em vẽ này!
Làm cho không khí trở nên gần gụi chính là Lâm. Lần nào Nam đến
chú cũng đem tranh vẽ ra khoe. Chú là một năng khiếu hội họa. Hàng tuần
chú vẫn theo học vẽ ở Cung Văn hóa Thiếu nhi. Lần nào cũng vậy, thấy em
sán đến bên Nam khoe tranh là thế nào Hạnh cũng tố cáo nó, rằng thì là
hôm qua nó đã lấy cuốn vở này, hôm nay nó lại xé cuốn sổ kia của Hạnh để