tay qua lưng nàng và hai người cùng ngửa mặt đón nhận những hạt mưa
sương trong lành. Hè phố lúc này đã biến thành lối đi dẫn đến cung điện
của tình yêu, tức ngôi nhà nàng.
Thực ra, ngôi nhà đánh số là một chung cư của bốn gia đình. Hạnh và
mẹ nàng ở trong hai căn buồng nhỏ trên gác hai. Muốn vào nhà nàng phải
đi qua một cái cổng, ở bên cổng có một quầy thuốc lá, chủ yếu là thuốc lá
nội, rẻ nhất là thuốc lá cuốn lấy, Tam Đảo, đắt hơn một chút là Điện Biên,
cao cấp nhất là Thăng Long bao bạc. Bán thuốc lá là một ông già hiền lành,
mùa nào cũng đội chiếc mũ cát két ca rô. Nam thường ghé lại mua mấy
điếu thuốc lá cuốn.
Có lần thấy ông đang mắc kính đọc tờ Les nouvelles de Moscou. Hỏi
thì Hạnh cho biết, ông là một thầy giáo hồi Pháp tạm chiếm dạy ở trường
Nữ học Felix Faux, sau giải phóng Thủ đô, thì mất việc. Các tiết học tiếng
Pháp bị thay thế bằng tiếng Nga, tiếng Trung. Qua cổng sắt nhỏ là đi vào
một cái ngách hẹp. Dẫu có được soi sáng bằng một bóng đèn hai lăm oát,
ngách hẹp vẫn cho ta cái cảm giác là một con đường hầm.
Chẳng sao hết! Thú vị là khác vì anh và Hạnh đã lợi dụng bóng tối
trong đường hầm nọ để hôn nhau trước khi cùng đi tới cầu thang lên gác
hai gặp mẹ nàng. Cuối con đường hầm nọ là nơi để chiếc xe đạp Thống
nhất nữ Hạnh vẫn dùng để đi đến trường sư phạm đóng ở phố Cửa Bắc.
Đứng cạnh chiếc xe đạp họ hôn nhau một lần nữa, trước khi Hạnh
nhảy chân sáo leo lên bậc thang gỗ của căn nhà, cất tiếng lanh lảnh: - Mẹ
ơi! Anh Nam đến chơi!
...
Nhảy ra đón Nam trước tiên là một chú bé mười ba tuổi, má bụ bẫm,
em trai Hạnh.
Nó đu lên cổ anh: - Anh Nam! Anh có mua quà gì cho em không?