chủ nghĩa thành trì của hòa bình trên thế giới còn đâu nữa sau một cuộc đảo
chính! Thật đúng như lật bàn tay. Hỏi có buồn kinh khủng không?
Nam khe khẽ rùng mình. Nghe cứ như chuyện Từ Thức lên tiên. Hay
đó chính là chuyện của anh trở về sau chiến tranh?
Ruýt ruýt… chiếc điếu cày rít váng xiết một vệt âm thanh chói tai
trong căn buồng. Khói thuốc lào khen khét trắng xóa một góc buồng.
Giọng ông già nhòe nhòe trong tiếng ho khậm khoặc:
- Nam này, anh có nhận thấy, bọn trẻ ở nhà quê ra thành phố làm việc,
chúng luôn nhớ làng quê không? Tôi có thằng cháu ở làng lên thành phố
này làm phu hồ mà chủ nhật nào cũng đèo vợ con về thăm cha mẹ. Chăm
lắm! Tôi có cảm tưởng là bọn này ăn ở có hiếu với cha mẹ hơn bọn trẻ ở
thành phố. Mà anh xem, các ông bà nhà quê đẻ con ra, săn sóc con cái có ra
gì so với dân thành phố!
Nam im lặng.
Ông già tiếp:
- Hay là ở thành phố bây giờ cuộc sống đã trở nên xô bồ, thiếu đi cái
thâm trầm sâu lắng, nói rộng ra là thiếu kí ức? Mà thiếu kí ức thì... hỏng rồi
còn gì. Thành ra nghe nói ở Nhật Bản cứ sắp đến ngày Mỹ ném hai quả
bom nguyên tử xuống Hirôsima và Nagazaki là người ta lại mở một lớp học
gọi là lớp học kí ức. Người ta mời những người còn sống sót từ hồi xảy ra
sự kiện lịch sử kinh hoàng đó đến kể lại những gì đã mắt thấy tai nghe cho
mọi người thế hệ sinh sau để nhớ…
Để nhớ…
Thu hai tay vào lòng, Nam ngồi trong im lặng.