cây cột không dựng thẳng, lúc uốn éo, lúc đâm xiên, lúc nhảy tưng lên theo
từng cú xóc của xe lam. Ngọc Sương (mà lúc đó chưa là Ngọc Sương)
nhoài người hẳn ra khỏi băng ghế đang ngồi để nhìn những cột khói.
“Má… Coi chị Mận nè! Té bây giờ.” Em trai ngồi kế bên cạnh càu
nhàu. Má không nói gì, chỉ giơ một cánh tay túm áo Mận kéo xuống. Xe
giằng giằng chạy qua cái xóm bên đường chắc vừa bị dội bom hay trúng
pháo.
Những mái lá cong queo bốc khói chạy qua. Từ cái xóm rẫy bữa nọ
cũng bùng bùng phựt lửa, bốc khói lên như thế, cuốc bộ, quá giang xe đò,
rồi lại cuốc bộ, tới chừng nhảy chồm chồm cùng chiếc xe lam cọc cạch này
trên mặt đường thì má con Mận đã đi qua bao nhiêu đám khói không nhớ
nữa. Tưởng như có bàn tay nào đó đánh dấu con đường ba má con đi bằng
khói. Mà khói thì thời buổi này chỗ nào lại không giống chỗ nào. Nên sau
này, dù cố lục lọi trong trí nhớ cô Ngọc Sương trưởng thành cũng không
cách nào đi ngược lại đúng con đường lúc nhỏ để trở về nhà.
Từ cổng số Một của phi trường, cùng lắm cô chỉ có thể ra được tới cái
ngã ba bên phải, nơi có ba ngọn tháp Chăm chĩa lên trời cao vút. Ngã ba
đứng từ trên đỉnh đồi Đại Tá là có thể thấy ngay ba ngọn tháp màu gạch
không dễ gì lẫn giữa màu cây.
Ngã ba chỗ má kêu con nhỏ Mận đứng đó, má dắt em trai vô cái chợ
chồm hổm bên kia đường mua nước. Mặt trời đứng trên đỉnh tháp, chợ dọn
sạch trơn mà Mận vẫn khát cháy cổ bên góc ngã ba ấy. Một mình. Một bà
già vác bao bố lượm rác dẫn Mận đi xuống đi lên hết mấy lượt trong cái
chợ dần dần không còn một bóng người. Mận khóc khàn cả tiếng. Bà già
không biết làm sao hơn đành để một đứa nhỏ lạ hoắc lạ huơ níu tay mình về
cái xóm bên trên chợ.
Đó là lần đầu tiên cô bé Mận biết đến một nơi có tên gọi phi trường.
Phi trường có hàng rào kẽm gai bao vòng như cái xóm rẫy một bữa bùng