nhảnh ngực tràn muốn xổ tung nút áo lên mặt nệm mà nó vừa trải ngay
ngắn để thúc dội, vần vò.
Chỉ là ý muốn. Người Mỹ tôn trọng thứ gọi là lady first. Nên rốt cuộc
người tuột được xuống đất cái áo hầu phòng xanh nhàu nhò của Mận lại là
Tín. Lúc ấy Tín còn chưa tốt nghiệp xong khóa huấn luyện bay ở Nha
Trang, ghé phi trường là để thăm ông anh làm ở tổ An phi. Tín người dong
dỏng, môi mỏng, khóe miệng lún hột gạo, chưa thấy người đã nghe tiếng.
Cái tết phi trường báo động ầm ĩ đến ông anh cũng bị điều động lên tăng
cường cho các ụ súng cối, Tín kè sát theo Mận dưới một miệng hầm.
Hầm không đến nỗi nào quá chật. Nhưng một tiếng nổ dội lào xào đất
cát trên đầu là Tín sát thêm vào Mận một chút, rồi một chút nữa. Mận nhớ
đứa con trai từng giở giùm mình mấy lỗ dây thép, trước bữa mất hút khỏi
xóm có thình lình giật tay Mận nắm thật chặt. Bàn tay bị nắm đó Mận đã cố
giơ ra đẩy Tín, nhưng hổn hển thì thào bên tai Mận lại là: “Ra trường…bay
tới chỗ nào anh cũng sẽ tìm má cho em…”.
Cánh tay đẩy của Mận vì những thì thào không còn sức lực. Những
mân mê, bỏng rẫy bên vành tai cuốn Mận đi. Mùi đàn ông mụ mị cuốn Mận
đi. Tiếng máy bay rít, tiếng súng giã, tiếng la ó, rượt đuổi. Cách một miệng
hầm mà tất cả bỗng nhạt nhòa như một nơi nào rất xa, xa lắm.
Ra khỏi hầm sau đêm báo động giả, Mận không dám bu tới cái hangar
ngay bên cạnh để xem mấy chiếc FE bị phá hư cả hai cánh. Nghe nói cả
bắt, cả bắn được tới năm sáu cộng sản. Lỡ như mà Mận đụng phải một ánh
mắt, hay là bàn tay đã từng dỡ thép gai, thõng thượt bên một xác người.
Ùng. Một tiếng nổ lớn lại rền lên từ dưới chân đồi. Điện tắt phụt.
Vọng khắp bóng tối thình lình chụp xuống Ngọc Sương là tiếng những
hàng chai, hàng li thủy tinh khua xổn xảng trên hai dãy kệ dài. Hầm rượu
đào không sâu lắm. Tiếng nổ nghe chừng đã bò lên cao hơn vị trí nó vừa
đục khoét vài ba phút trước.