bùng bốc cháy của má con Mận. Phi trường có đống rác ngày nào cũng vun
cao trên mảnh ruộng khô cháy. Nào đồ hộp còn chưa khui nắp, túi gạo còn
lưng lửng, lon bia, ca i-nốc… đôi khi còn trúng mánh được cái đồng hồ,
cặp mắt kính còn mới nguyên. Chỉ cần kheo khéo né cái mấu thò ra nhọn
hoắt của hàng rào dây thép gai.
Thằng Hòa nhà theo meo cuối xóm hay vạch giùm Mận mấy cái lỗ
dây thép, tay nó có bữa chảy đỏ loẹt thứ thấy đến quen mắt trên đống bông
gòn, gạc y tế tanh rình và cả mấy cái xác thỏ bị bắn lòi ruột bốc mùi vẫn
nằm lẫn lộn giữa đám rác thức ăn.
Sống bằng bãi rác phi trường, mũi để lọc mùi hơn để thở. Tụi nhỏ
trong xóm như thằng Hòa, rồi cả Mận xuống tuốt luốt dưới ngã ba còn nghe
được đâu là mùi rác mới đổ, đâu là rác để lâu năm mới chớm ngay mũi đã
nhức bưng đầu.
Thính mũi vậy thế mà Mận chưa bao giờ nghe được mùi dẫn đường để
trở về nhà. Những lúc thay bà Năm già theo thằng Hòa xuống ngã ba bán
những thứ lượm được từ bãi rác, Mận hay đứng lại lâu lắc trước cái chợ
chồm hổm. Mận đứng đó từ hồi lẻo khẻo như cái cây con thiếu nước tới lúc
má căng mọng, eo cong thắt, mắt ướt rượt.
Từ hồi thằng Hòa cứ lần chần chờ Mận trên đầu dốc tới lúc nó bỏ xóm
đi đâu mất biệt. Mà má vẫn chưa thấy dẫn đứa em quay lại. Không tính bên
mặt núi, nguyên cái bãi đất rộng rinh này chỉ có cái ngọn đồi Đại Tá trong
phi trường là dòm thấy rõ ràng nơi ba ngã đường chập vào nhau làm thành
một góc chữ T, chỗ má kêu Mận đứng chờ.
“Trên trển biết đâu có bữa ngó xuống mình thấy má…”. Mận nghĩ vậy
lúc đám con gái trong xóm rủ lên đồi làm sở Mỹ. Mắt ướt, eo thắt, má căng.
Chỉ một con nhỏ dọn phòng thôi mà đám phi công Mỹ say Mận đứ đừ hơn
cả thuốc xì gà. Đứa nào cũng muốn chộp ngay, xô ngay con nhỏ nhỏng