Ông khen Quách có một câu hỏi hay.
Ông chỉ vào đứa con nhỏ đang chạy chơi ngoài sân và hỏi Quách:
“Thế cậu có biết vì sao đứa con gái tôi tên là Giao Cam không?”
Quách lắc đầu. Ông hồi tưởng, đó là một trận đánh vô cùng ác liệt,
một câu chuyện đầy bi thương. Người chiến sĩ tên Đông bị phục kích, rơi
vào tay giặc, chịu đòn tra tấn dã man nhưng quyết không hé răng nói một
lời. Một lần tỉnh dậy sau tra tấn, thấy lưỡi lê của quân thù vung lên sắc
lạnh, không gian im ắng bao trùm, sau đó trời đất bỗng tối sầm và đầu óc
người chiến sĩ trẻ gần như tê liệt.
Tỉnh dậy, anh nghe dân kể tìm thấy bộ đội bị ném ở bìa rừng, hai mắt
đã bị kẻ thù dùng lưỡi lê khoét gọn…
Sau này, ông lấy vợ, đặt tên con mình bằng dấu ấn trận địa, vùng đất
đầy đau thương, can trường. Trong khu tập thể, ông nhớ tất cả tên tuổi,
nghề nghiệp của mọi người, từ lời nói cử chỉ của ai đó cũng hằn in trong trí
nhớ ông không sai một li.
Ông cắt nghĩa: “Người mù như tôi có còn việc gì nữa đâu!”
Quách kể, thương nhất là những lần trái gió trở trời, hai hốc mắt đau
nhức, kí ức quay về, đầu óc ông quay cuồng như đang xông pha trận địa.
Ông đưa hai tay móc đôi mắt giả ra, ném lăn lông lốc khắp nhà, vợ con sợ
hãi lắm nhưng phải đợi ông dịu cơn đau mới dám tìm cặp mắt ấy đem đi
rửa để cất, mỗi lần vui ông lại đeo vào lấp đi khoảng trống trên khuôn mặt.
Hoặc những lúc khu tập thể mất điện, rồi có điện, đứa con reo to: “Bố
ơi! Nhà có điện rồi”, ông lẩm bẩm: “Sao la lối om sòm thế? Mất điện với
có điện khác gì nhau!”.
Không khí im lặng lại bao trùm, và so với màn đêm ngoài kia, hẳn
màn đêm vừa kéo đến còn đằng đẵng, bất tận hơn.