Nghe chuyện, tôi hiểu bác Đông và cha có chung một điểm, đó là đặt
tên cho con bằng kí ức trận mạc. Cha xuất ngũ vào một buổi bình minh,
đứng trên boong tàu nhìn rõ một hàng tay vẫy toàn người già và trẻ nhỏ.
Đám trẻ và lũ chó bơi mãi ra xa tiễn bộ đội Việt Nam.
Khoảnh khắc ấy cha đã nghĩ rằng, nếu lấy vợ, có con gái, cha sẽ đặt
cho nó cái tên mang ý nghĩa của buổi sáng, buổi sáng của những người lính
sau năm tháng viễn chinh được trở về đất mẹ. Ban Mai, tên tôi, mọi người
bảo là một cái tên trong trẻo, chỉ tôi hiểu, với cha đó còn là nỗi ngậm ngùi
bởi đồng đội nhập ngũ cùng cha trở về chỉ đếm vừa một bàn tay…
...
Những cuộc điện thoại của mẹ cho tôi ngày càng dày hơn. Mẹ muốn
tôi đứng về phe mẹ ngăn cản chuyến đi của cha. Mẹ muốn tôi có những lí
lẽ thuyết phục hơn cái điệp khúc “đường xa, sức khỏe” của bà. Tôi không
trả lời mẹ. Tự nhiên tôi nghĩ tới bác Đông bèn điện thoại cho Quách nhờ
anh đưa tôi đến gặp.
Quách bảo công việc, biến động cuộc sống đẩy anh ra khỏi không gian
ấy từ rất lâu mà chưa có dịp trở về. Người vợ của bác Đông sau này đã bỏ
đi làm ăn xa mang theo đứa con gái. Khu tập thể ấy bây giờ hẳn đã khác
trước nhiều nhưng có lẽ bác vẫn ở mãi đó thôi. Quách phán đoán đúng. Bác
Đông vẫn sống ở đó. Từ dạo vợ bác mang đứa con gái đi xa, cặp mắt giả
lăn về phía nào không rõ, hai hốc mắt bác lại sâu hoắm trông vừa đáng sợ
vừa đáng thương.
Bác chỉ vào tôi khen: “Người đàn bà này đẹp quá!” Quách hỏi: “Làm
sao bác biết?”
“Cậu định bảo tôi mù lòa nhìn được gì mà khen đẹp ư? Người đẹp thì
tiếng nói cũng êm, bước đi cũng lạ. Tóm lại, mĩ nhân chẳng thể mang một