sớm muộn gì cũng truân chuyên, đổ vỡ.” Nói rồi Hạ đưa tay vén những lọn
tóc rủ xuống gáy khoe hình xăm hoa dại. “Mày thấy không, từ lúc dậy thì
tao đã thích xăm trổ, đeo nhiều khuyên tai, cả khuyên mũi… hoang dại
giống sơn nữ đấy chứ? Đâu như mày!”. Rồi Hạ cười sảng khoái, nhấp
ngụm vang chát, chớp chớp bờ mi sũng ướt.
Chẳng hiểu sao câu chuyện vu vơ ấy lại thường len lỏi trong giấc mơ
tôi. Quách đã ngoài năm mươi tuổi. Anh vẫn cười nửa bao dung nửa hối lỗi
mỗi lần tôi nũng nịu: “Anh cưới em đi!” Cả tôi và Quách đều hiểu sẽ chẳng
bao giờ có cái kết ấy.
Tôi trí nhớ tốt nhưng luôn quên tất cả những con đường hai đứa đã đi
qua. “Em chỉ quên những điều mình không muốn nhớ. Nhớ nhiều, sau này
xa cách, buồn thêm!”, tôi nói bằng giọng điệu kiêu hãnh đến xót xa. “Vậy
thì anh sẽ buồn hơn em, vì anh nhớ tất cả. Mãi mãi anh không muốn quên”,
lời Quách thật ân cần.
Trong cơn chiêm bao đứt gãy của tôi, chợt thấy Quách nhận mình
chính là cha nuôi Hạ. Người đàn ông vừa thân gần vừa xa lạ ấy nói: “Phải
mất bao năm để kiếm tìm, chờ đợi. Bây giờ đành nhìn nhau trong nước
mắt, chia phôi.” Người ấy còn nói, bản mệnh kiếp trước của tôi là một cánh
chuồn chuồn, suốt ngày đậu trên vai Hạ. Tôi bình an khi Hạ sẩy chân…
Nửa đêm bàng hoàng tỉnh giấc, tôi lần mò tủ lạnh, ngửa cổ dốc thẳng
chai nước khoáng vào họng. Hơi lạnh lan man như nhấc bổng tôi đi. “Tao
phải tìm thầy làm lễ. Phải gọi hồn ông quan ấy về!”, Hạ quả quyết thế, tôi
cũng chẳng có ý can ngăn. Gia đình Hạ đang đứng trước cơn đổ vỡ. Hai
đứa con thơ bìu ríu lấy mẹ khóc thút thít suốt ngày đêm.
Mọi chuyện xảy ra đúng như điều tôi từng nghĩ. Một người đàn ông
thiếu tử tế luôn tìm cách cứa thật sâu vào nỗi đau buồn, không cho đàn bà
lầm lỡ một cơ hội nào để đứng lên mà bước tiếp. Thế mà Hạ vẫn chần chừ,
hoang mang, khủng hoảng tột độ mỗi lần định đặt bút kí vào đơn li hôn.