- Chuyện xảy ra cách đây đã hơn một năm rồi, mà mỗi lần nhớ lại, tôi
cứ bàng hoàng như vừa thấy một giấc mơ - ông mở đầu với giọng trầm đục:
- Hôm đó, tôi đi từ trạm N. G. đến L. A. Khi chiếc xuồng máy đuôi tôm
vừa xô ra bến thì chúng tôi ai cũng muốn biết người lái ấy là ai. Không phải
tò mò mà cần phải biết. Bởi vì trước khi đi, người trạm trưởng có báo cáo
với chúng tôi đó là một đoạn đường dài, một đoạn đi xuồng máy, một đoạn
đi bộ, đi xuồng dễ gặp trực thăng soi, anh em phải bình tĩnh, không được
nhốn nháo, không được tự động mà phải tuyệt đối tuân theo sự điều khiển
của người lái. Nói như vậy có nghĩa là sinh mạng mình phải hoàn toàn phó
thác cho người cầm lái ấy, có phải không các bạn? Cho nên, tôi cần nhìn,
cần biết rõ người đang cầm giữ sinh mạng mình. Nhưng trời đã tối rồi, tôi
chỉ thấy đó là một cô gái người mảnh khảnh, vai mang cây “cạc- bin” bá
xếp của Mỹ, đầu chít khăn, dáng điệu gọn gàng.
Trước đó, tôi có được nghe tiếng đồn trạm này có một cô giao liên rất
thông minh. Một hôm, cô dẫn một đoàn khách sắp sửa qua sông, cô để
khách dừng lại ngoài ruộng xa. Cô và một anh giao liên nữa tiến trước dọn
đường. Đến vườn cây bờ sông, cô thấy mình đã lọt vào ổ phục kích của
địch. Nhưng cô không bối rối. Cô vừa gọi người bạn của mình vừa nói, cô
cố ý nói lớn cho bọn địch nghe: “Tình hình yên, không có gì, anh trở lại
dẫn khách đi, còn tôi sang sông lắc xuồng đem qua”. Trong câu nói ấy có
ám hiệu. Anh giao liên liền quay lại, êm ái đưa khách bọc qua ngả khác,
vượt sông cách đó độ một vài cây số. Còn cô ta, trước khi qua sông cô còn
gài lại hai trái lựu đạn. Cô qua sông, thế là thoát. Còn đám biệt kích kia,
bọn nó tưởng thật, định hốt cả một đoàn khách, nên chẳng dám rục rịch, mà
cứ chờ. Chờ mãi, bọn nó biết, nó chửi rủa nhau, trong lúc lục tục kéo về lớ
quớ thế nào lại vấp cả hai quả lựu đạn gài, rụng hết mấy mạng. Qua chuyện
đó, người ta thêm thắt rằng cô giao liên ấy có cái mũi rất thính, cô dùng
mũi để nghe mùi địch và có thể phân biệt được thằng nào là Mỹ, thằng nào
là Ngụy nữa.