cây rậm, rồi rào rào lướt tới. Gió thổi mát cả người, mát đến từng chân tóc.
Nghe cô dặn, anh em khách lúi húi mở bòng. Còn tôi, tôi có cái gì qúy
ngoài giấy tờ, tiền ăn đường đã để sẵn trong túi? Tôi chợt nhớ đến cây lược
nhỏ. Tôi liền mở bòng, mò lấy cây lược, cho vào túi nhái đựng giấy tờ, bỏ
vào túi ngực, rồi cài kim tây lại thật cẩn thận.
Các bạn! Mỗi lần nhìn thấy cây lược ngà nhỏ ấy là mỗi lần tôi băn
khoăn và ngậm ngùi. Trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi chứng kiến
không biết bao nhiêu cuộc chia tay, nhưng chưa bao giờ, tôi bị xúc động
như lần ấy. Trong những ngày hoà bình vừa lập lại, tôi cùng về thăm quê
với một người bạn. Nhà chúng tôi ở cạnh nhau gần vàm kinh nhỏ đổ ra
sông Cửu Long. Chúng tôi cùng thoát ly đi kháng chiến, đầu năm 1946, sau
khi tỉnh nhà bị chiếm. Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh - và cũng là
đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi. Anh thứ sáu và cũng tên Sáu.
Suốt mấy năm kháng chiến, chị Sáu có đến thăm anh mấy lần. Lần nào anh
cũng bảo chị đưa con đến. Nhưng cái cảnh đi thăm chồng ở chiến trường
miền Đông không đơn giản. Chị không dám đưa con qua rừng. Nghe chị
nói có lý anh không trách được. Anh chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ thôi.
Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh. Xuồng
vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo
bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là
con, không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô
chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới với. Anh bước vội vàng với những
bước dài, rồi dừng lại kêu to:
- Thu! Con.
Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh
nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. Anh
vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ cô. Nghe gọi, con bé giật mình,
tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc
động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần