TRUYỆN NGẮN NHẤT LINH
Nhất Linh
www.dtv-ebook.com
Lời Giới Thiệu
Hoạt động văn học của Nhất Linh có thể chia ra làm 3 thời kỳ: Thời
kỳ trước năm 1930; thời kỳ từ 1932-1945; thời kỳ sau 1945, trong đó quãng
thứ hai là nổi bật và ông có nhiều đóng góp nhất. Nói tới Nhất Linh, người
ta liên tưởng ngay đến Tự lực văn đoàn mà Nhất Linh là người chủ xướng.
Tự lực văn đoàn - một phong trào văn học tồn tại trong lịch sử khoảng
1932-1945, có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học thế kỷ XX. Cơ quan
ngôn luận của nó là hai tờ báo Phong hóa, Ngày nay và Nhà xuất bản Đời
nay đều do Nhất Linh điều hành. Đấy là trung tâm quy tụ đông đảo các cây
bút tài năng, nhiệt tình trên con đường hiện đại hóa văn học. Các truyện của
Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Bùi Hiển, thơ đả
kích của Tú Mỡ... trên các trang báo Phong hóa sau năm 1934 đã thổi vào
xã hội một luồng sinh khí tươi trẻ, nhẹ nhàng, giàu sinh lực phản ánh được
cái khí thế của một thế hệ trẻ rất hăng hái cải tạo xã hội và văn hóa. Nhà
xuất bản Đời nay, cùng hai tờ báo trên là nơi giới thiệu, cổ vũ cho các tài
năng mới thuộc các môn nghệ thuật khác như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc
Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn... (hội họa), Nguyễn Xuân
Khoát (nhạc), Nguyễn Cao Luyện (kiến trúc)... Giờ nhìn lại có thể thấy rõ
là nhiều tài năng của nền văn nghệ mới có lúc từng quần tụ nơi Tự lực văn
đoàn. Tất nhiên bức tranh văn nghệ 1932-1945 rất rộng lớn và nhiều màu
vẻ trong đó Tự lực văn đoàn chỉ là một bộ phận. Thêm nữa công lao làm
nảy nở và phát triển phong trào văn học nói trên không thể chỉ quy vào mỗi
Nhất Linh. Tuy nhiên rõ ràng ông là người chủ xướng và tổ chức quan
trọng nhất.