Về sáng tác, Nhất Linh từng viết ở nhiều thể loại: Thơ, phóng sự, khảo
luận, phê bình, tuy nhiên ngòi bút của ông chủ yếu vẫn là để sáng tạo văn
xuôi - truyện ngắn và tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết. Nhất Linh thuộc vào
số những nhà cách tân tiểu thuyết quan trọng của văn học ta.
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) đã sớm nhận thấy rằng
"tiểu thuyết của Nhất Linh biến đổi rất mau". Nho phong (1925) tác phẩm
đầu tay của ông thuộc loại một tiểu thuyết lý tưởng hóa. Đầu những năm
1930, ông sáng tác một loạt những tiểu thuyết luận đề: Đoạn tuyệt, Lạnh
lùng...
Đến Bướm trắng (1940) thì đã là tiểu thuyết phân tích tâm lý. Những
tiểu thuyết sau năm 1945 có thể xếp vào loại phân tích hiện thực xã hội,
chẳng hạn Xóm Cầu mới. Tuy nhiên ông vẫn thành công nhất ở loại tiểu
thuyết luận đề và tiểu thuyết phân tích tâm lý. Các tiểu thuyết Đoạn tuyệt,
Lạnh lùng từng gây chấn động một thời. Viết các tác phẩm này Nhất Linh
nhằm trực tiếp đả phá các hủ tục, thiết chế đại gia đình phong kiến, kêu gọi
xây dựng đời sống mới tiến bộ, giàu nhân tính cho mỗi con người được chủ
động và tự lập. Độc giả bấy giờ đọc các cuốn sách đó một cách hưng phấn,
nhiều người muốn và đã hành động theo Loan, Nhung, những nhân vật
chính của tiểu thuyết Nhất Linh. Tuy nhiên sau này Nhất Linh có nói rằng
trong các tiểu thuyết của mình ông ưng ý nhất Bướm trắng. Với Bướm
trắng, ngòi bút của ông tiến hành cuộc phiêu lưu vào tâm hồn con người.
Cuốn tiểu thuyết được xây dựng trên cái hiện thực ý thức và tâm cảm.
Nhất Linh viết văn theo các thể loại của văn học Âu Tây, xây dựng
nhân vật, kết cấu truyện... theo lối của các nhà văn châu Âu. Văn phong của
ông là sự áp dụng lối tổ chức ngữ pháp Tây phương vào tiếng Việt: lôgích
chặt chẽ, sáng sủa và cực kỳ giản dị. Tuy nhiên ở các tác phẩm của Nhất
Linh, người ta vẫn thấy chất thơ phương Đông luôn tồn tại khi thì đậm nét,
khi thì mờ ảo. Nhà văn đã sử dụng những phương tiện nghệ thuật phương
Tây để xây dựng tâm hồn phương Đông. Đọc Nho phong, Người quay tơ,