Tu-đạt nói:
“Ngài lầm rồi. Tôi thật không hề hối tiếc. Chỉ đang tính xem phải chở bao nhiêu
vàng nữa thì vừa hết chỗ đất trống này đó thôi.”
Bấy giờ, thái tử thật sự ngạc nhiên, liền đến hỏi nguyên do mua đất. Tu-đạt thành
thật kể lại việc mình gặp Phật nơi thành Vương-xá, được nghe ngài giảng thuyết
đạo lý như thế nào, và việc mình thỉnh Phật đến thành Xá-vệ để thuyết pháp cho
bá tánh nơi đây, nên cần chỗ xây cất tinh xá cúng dường Phật.
Thái tử nghe qua liền trầm ngâm suy nghĩ. Ngài nghĩ rằng:
“Người này vốn là một nhà buôn, phải khó nhọc lâu năm mới trở nên giàu có.
Nay ông ta không tiếc mà bỏ ra cả một số vàng rất lớn, lại nhiệt tâm trong việc
thỉnh Phật như thế, chắc hẳn đức Phật phải là một bậc siêu phàm xuất thế chứ
không thể tầm thường. Lẽ nào ta lại không biết góp phần cùng người mà làm cái
việc rất nên làm này.”
Nghĩ vậy rồi, thái tử liền nói với Tu-đạt:
“Ngươi không cần phải chở thêm vàng nữa, bấy nhiêu đó là đủ rồi. Phần còn lại
xem như ta góp vào mà cúng dường Phật. Hơn nữa, tất cả cây cối trong vườn
này, thay vì ta có quyền đốn bỏ đi hoặc bán cho người khác, nay ta xin cúng
dường luôn vào việc xây dựng tinh xá, để giữ cho phong cảnh ở đây được tươi
đẹp như cũ.”
Tu-đạt nghe vậy rất mừng, liền lo xúc tiến việc xây dựng tinh xá.
Vì có sự kết hợp như trên, nên người ta gọi khu vườn này là “Kỳ thọ Cấp Cô
Độc viên”, nghĩa là vườn của ông Cấp Cô Độc, còn cây của thái tử Kỳ-đà.
Tinh xá được xây dựng xong gọi tên là tinh xá Kỳ Viên, trở thành một trung tâm
quan trọng, nơi Phật giảng thuyết nhiều bộ kinh và hóa độ cho rất nhiều người.
Công việc xây dựng tiến hành gấp rút, mỗi ngày có hơn 100 người thợ, kéo dài
hơn bốn tháng thì hoàn tất.
Ông Tu-đạt liền cho người sang thành Vương-xá báo tin và đồng thời thỉnh Phật
với chư tăng. Phật nhận lời và chừng hai tháng sau thì ngài với mấy trăm vị sa-
môn cùng đến tinh xá Kỳ Viên.