2. Bạn muốn ăn luôn hay chờ đến khi ngừng bắn
đã?
Có lần tôi chứng kiến một người đàn ông bị bắt cóc ở Beirut. Sự việc
diễn ra chỉ trong có mấy giây đồng hồ.
Tôi đang trên đường tới Sân bay Quốc tế Beirut, chiếc taxi tôi đi bị kẹt
đường. Bất ngờ, tôi nhìn sang bên tay phải thấy bốn người đàn ông với súng
lục dắt ngay thắt lưng đang kéo một người đàn ông ra khỏi cửa nhà. Một
phụ nữ, hẳn là vợ người đàn ông, đứng ngay dưới mái cửa, nắm chặt vạt áo
choàng và khóc nức nở. Người đàn ông hết sức vùng vẫy và đấm đá tứ
tung, một cái nhìn kinh hoàng trong đôi mắt anh ta. Không hiểu vì sao cảnh
này khiến tôi nhớ đến các cầu thủ bóng đá đang lôi huấn luyện viên của họ
ra sân cỏ sau một trận thắng, nhưng ở đây thì chẳng có sự ăn mừng nào. Chỉ
một giây thôi mắt tôi gặp mắt nạn nhân xấu số đó, ngay trước lúc anh ta bị
ấn vào chiếc xe đang đợi sẵn. Đôi mắt anh ta chẳng hề lóe lên rằng “Cứu tôi
với”; tất cả chỉ có nỗi sợ hãi. Anh ta biết rằng tôi chẳng thể giúp gì. Đây là
Beirut.
Sau đó thì đám tắc đường được thông và chiếc taxi của tôi tiến thẳng tới
sân bay. Người lái xe Liban vẫn giữ đôi mắt thẳng tưng suốt quãng đường,
chẳng hề nói một lời nào về cảnh tượng kinh hoàng đó, mà chỉ thể hiện qua
khóe mắt của anh ta. Thay vào đó, anh ta nói về gia đình, chính trị và những
việc xảy ra dọc đường chúng tôi đi. Khi anh ta nói thì đầu óc tôi vẫn lẩn
quẩn với nạn nhân bị bắt cóc kia. Anh ta là ai? Anh ta đã làm gì? Có thể anh
ta là một kẻ xấu còn những người kia là những người tốt, hoặc là ngược lại
chăng?
Beirut luôn là một thành phố làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn lời giải đáp,
đối với cả những người đang sống và không sống ở đó. Những câu hỏi
thường xuyên nhận được từ độc giả và bạn bè tôi khi trở về nhà đều bắt đầu
bằng “Như thế nào?” – Người ta đối phó thế nào? Người ta sống sót thế