“Bịt lỗ nhìn trộm thôi,” ả đáp. “Ta không nghĩ vào lúc sớm thế này sẽ có
khách nhân khác tới, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Dù sao chúng ta cũng không
muốn bị phát hiện việc sẽ làm trong này.”
Ả ngồi xuống đối diện Địch Nhân Kiệt, tựa lưng vào chiếc gối lớn.
Địch Nhân Kiệt thấy mình thu được khá nhiều kiến thức hữu ích. Trước khi
thành hôn với chính thê bây giờ, Địch Nhân Kiệt đôi lần có ghé thăm một
vài kỹ viện hạng sang ở kinh thành, nhưng ở những kỹ quán bình dân thế
này, ông lại chẳng hay mấy thông lệ cho lắm.
Ông ngẩng lên, vừa mân mê chòm râu vừa xem xét từng hình vẽ, bài thơ
khắc ở mỗi ô trên phiến gỗ lớn. Khung giường của các đôi tân lang, tân
nương thường được chạm khắc bài trí bằng những hình ảnh tượng trưng
cho cuộc sống phu thê theo chuẩn mực đạo đức xưa. Nhưng ở đây có vẻ
phóng khoáng hơn. Văn nhân đến đây ắt hẳn thường ngẫu hứng để lại bút
tích. Nếu có bài thơ hay bức họa tuyệt thế nào, tú bà sẽ dùng làm bài trí
khung giường. Khi chúng mờ đi sẽ lập tức được thay mới.
Địch Nhân Kiệt đọc to câu thơ được viết bằng nét bút điêu luyện, uyên
thâm:
Coi chừng Cánh Cửa mở ra cuộc đời
Cũng là Cánh Cửa khép lại cuộc đời mãi mãi.
Địch Nhân Kiệt gật đầu tán thành, “Quả có hơi thô nhưng mà thật”
Ông bất chợt đứng bật dậy, mắt chăm chú nhìn vào một bài thơ gồm bốn
câu. Ông nhận ra nét chữ của hai câu thơ đầu. Đó là nét chữ bay bướm đầy
chất nghệ sĩ trên bức họa liên hoa treo trong buồng Lương Chiến. Ông
chậm rãi đọc to hai câu đầu:
Trăm năm sông chảy nước dạt dào