Vậy nên, “lịch sử” có hai nghĩa: (1) chuỗi các sự kiện lịch sử và (2)
một mô tả hay nghiên cứu về các sự kiện ấy. Vì thế “Triết học lịch sử” cũng
có hai nghĩa tương ứng: một là, sự PHẢN TƯ triết học về diễn trình của
các sự kiện lịch sử, và hai là, về bản chất và các phương pháp của các
nghiên cứu về các sự kiện lịch sử. Triết học lịch sử trước Hegel là thuộc về
loại thứ nhất hơn là loại thứ hai: người sáng lập môn học này là Vico, trong
cuốn Principi di Scienza Nuova de intorno alla Comune Natura delle
Nazioni [Các nguyên tắc cho một khoa học mới về bản tính chung của các
dân tộc] (1725), cho rằng mọi dân tộc đều trải qua ba giai đoạn: giai đoạn
thần thánh, giai đoạn anh hùng và giai đoạn con người, phát triển tiến lên từ
tư duy cảm tính đến tư duy trừu tượng, từ đạo đức anh hùng đến LUÂN
LÝ, và từ đặc quyền đến bình đẳng về các quyền. (Hegel hoàn toàn không
nhắc đến Vico). Voltaire (người tạo ra chữ philosophie de l”histoire [triết
học lịch sử]) đã mô tả lịch sử, trong cuốn Essai sur les Mœurs et l”Esprit
des Nations [Khảo luận về các tập tục và tinh thần của các dân tộc]
(1756), là cuộc đấu tranh của con người vì văn hóa và tiến bộ. Herder,
trong LSNL, xem lịch sử của con người là một sự phát triển hướng đến
“nhân tính” hay “tính nhân văn” (“Humanität”/Anh: “humanity”); nó là
một sự tiếp nối sự phát triển của tự nhiên và tiến lên phù hợp với cùng các
quy luật như nhau; trật tự và tính hợp quy luật của thế giới thể hiện quyền
năng và lý tính của Thượng Đế. Kant đã viết hai bài phê bình cuốn Ideen
[Các ý niệm] của Herder, và vài khảo luận của Kant về lịch sử, đặc biệt là
luận văn LSPQ, trong đó ông cho rằng, mặc dù có ý chí tự do, nhưng các
hành động của con người bị quy định bởi các quy luật phổ quát và ít ra
phần lớn hành động của con người có thể cho sử gia thấy một mẫu hình
hợp quy tắc; mục tiêu của lịch sử là một NHÀ NƯỚC hoàn toàn thuần lý
và công bằng, vốn sẽ đảm bảo tự do cần thiết cho sự phát triển toàn vẹn của
các năng lực của con người, và duy trì nền HÒA BÌNH vĩnh cửu đối với
các nhà nước khác vốn cũng được tổ chức tương tự. Lịch sử thường được,
chẳng hạn Lessing và Fichte, xem là sự hiện thực hóa sự THIÊN HỰU hay
quan phòng thần thánh, tức là sự hiện thực hóa kế hoạch của Thượng Đế