cho việc ĐÀO LUYỆN VĂN HÓA con người, một kế hoạch kỳ cùng sẽ
mang lại sự hoàn thiện của con người.
Nghiên cứu chính về lịch sử của Hegel nằm trong cuốn THLS. Ngược
lại với nghiên cứu của các tiền bối của ông, cuốn này có hai đặc điểm riêng.
Thứ nhất, ông hoài nghi về các khẳng định của các sử gia triết học
trong việc đưa ra các thông tin về sự kết thúc (hoặc sự khởi đầu) của lịch sử
vốn vượt quá năng lực các sử gia thường nghiệm. Với Hegel, lịch sử kết
thúc bằng hiện tại [tức thời ông]. Trong khi ông thường mô tả hiện tại bằng
các thuật ngữ (chẳng hạn sự hiện thực hóa trọn vẹn sự TỰ DO và sự TỰ-Ý-
THỨC) có vẻ như không dành nhiều chỗ cho những gì xảy ra trong tương
lai, ông thừa nhận rằng có lẽ vẫn còn nhiều lịch sử sẽ xuất hiện, chẳng hạn
ở châu Mỹ. Nhưng điều này không phải là mối quan tâm của sử gia.
Thứ hai, Hegel xem lịch sử mang tính triết học (tức: triết học lịch sử)
mới là sứ mệnh cấp hai, tức cao hơn, tận dụng phần tinh yếu từ các kết quả
của các sử gia khác. Tính nước đôi của Geschichte không phải là ngẫu
nhiên: lịch sử là truyện kể về các sự kiện xuất hiện đồng thời với những
hành vi và những sự kiện lịch sử. Xã hội nào không viết sử thì không có
lịch sử: các hành vi và sự kiện lịch sử đòi hỏi một sự TỰ-Ý-THỨC, phơi
bày chính mình trong việc chép sử. (Vì thế, theo Hegel, TỰ NHIÊN không
có lịch sử: nó chỉ phát triển và thay đổi theo vòng tròn và lặp lại). Môn
chép sử có ba hình thức chính:
(1) Lịch sử “nguyên bản” hay “nguồn”: lịch sử do nhà biên niên sử ghi
lại những hành vi của một dân tộc và một thời đại mà người chép sử thuộc
về và TINH THẦN của thời đại mà người chép sử ấy chia sẻ.
(2) Lịch sử “phản tư” ghi lại những hành vi của quá khứ, nhưng hiện
thân cho tinh thần của một thời đại sau và lý giải quá khứ dựa vào tinh thần
ấy. Lịch sử phản tư có bốn thể loại: