(a) Lịch sử “phổ quát” ghi lại toàn bộ lịch sử của một DÂN TỘC, một
đất nước hay toàn thế giới, dựa trên tác phẩm của các nhà sử học nguyên
bản.
(b) Lịch sử “thực tế” hay “thạo đời” nỗ lực đồng hóa quá khứ với hiện
tại và rút ra những bài học lịch sử từ quá khứ cho hiện tại. Niềm tin của
Hegel rằng lịch sử hàm chứa sự PHÁT TRIỂN và bất kỳ giai đoạn nào của
lịch sử cũng vượt bỏ các điều kiện cho sự xuất hiện chính nó, khiến ông
quan niệm rằng các giai đoạn lịch sử quá khứ là không tương quan trực tiếp
với hiện tại. Hegel phản đối sự lý giải các hành vi lịch sử dựa vào các động
cơ tầm thường vốn không tiêu biểu cho bất kỳ giai đoạn lịch sử nào (BKT I,
§140A.). Do đó ông không xem lịch sử thực tế là một thể loại.
(c) Lịch sử “phê phán” đánh giá các nguồn và tính hợp lý của các
nghiên cứu lịch sử: nó là một “lịch sử về lịch sử”.
(d) Các lịch sử của các lĩnh vực riêng lẻ, chẳng hạn NGHỆ THUẬT,
PHÁP QUYỀN, TÔN GIÁO hay TRIẾT HỌC. Hegel xem các giả định của
một “quan điểm phổ quát” như thế là đang tạo ra một bước chuyển từ lịch
sử phản tư đến:
(3) Lịch sử mang tính triết học. Nhà triết học lịch sử sử dụng các kết
quả của các sử gia nguyên bản và phản tư để lý giải lịch sử như là sự phát
triển hợp lý tính của tinh thần trong thời gian, tức là cái gì đó vượt khỏi tầm
nhìn của các tác nhân lịch sử lẫn các sử gia khác. Tinh thần thế giới, vốn
hiện thân cho Ý NIỆM, tiến lên thông qua các đam mê của các cá nhân,
nhất là của “các vĩ nhân” hay anh hùng “của lịch sử thế giới”, chẳng hạn
như Alexander Đại đế, Ceasar và Napoleon, là những người, chỉ có một ý
thức mờ nhạt về mục đích lịch sử của mình, nhưng được điều hướng bởi
“mẹo lừa của lý tính”, bắt buộc phải tạo ra một thời đại mới, thể hiện một
giai đoạn tinh thần mới và cao hơn, của tự do và của TỰ-Ý-THỨC. Khác
với Kant và Voltaire, Hegel cho rằng không được đánh giá “các anh hùng”
bằng quy tắc luân lý hay đạo đức thông thường.