Hegel đưa ra các bài giảng không những về lịch sử thế giới, mà còn về
lịch sử của nghệ thuật, tôn giáo và triết học. Nhưng quan điểm lịch sử thực
sự của ông được thể hiện trong tất cả các tác phẩm của ông, và nhất quán
với một số đặc điểm trong tư tưởng ông: (1) Cá nhân phụ thuộc vào các cấu
trúc của Tinh thần khách quan và Tinh thần tuyệt đối, vốn phát triển qua
lịch sử một cách rõ ràng hơn những cá nhân xét như là cá nhân. (Vậy nên
lịch sử thực tế hay thạo đời mới cần viện đến những động cơ tầm thường,
cá nhân). (2) Các giai đoạn đã qua của một thực thể được vượt bỏ trong
tình trạng hiện tại, khiến cho việc thấu hiểu hiện tại đòi hỏi một tri thức về
quá khứ: “chúng ta là cái gì, thì chúng ta cũng là cái ấy về mặt lịch sử”
(THLS). (3) Nhưng ta không thể hiểu điều gì chỉ bằng cách biết về lịch sử
của nó. Hiểu biết triết học hay, chẳng hạn, hiểu biết thần học, đòi hỏi cái gì
nhiều hơn việc đơn thuần chép lại các niềm tin tôn giáo hay niềm tin triết
học quá khứ. Chúng ta cũng phải biện biệt tính hợp lý tính của chúng với
tính hợp lý tính của sự phát triển của chúng. (4) Các giai đoạn đã qua của
nhân loại là khác biệt hoàn toàn với giai đoạn hiện tại của chúng: con người
trong quá khứ đã suy tưởng và hành động theo những cách khác nhau một
cách có hệ thống. (5) Nhưng các hình thức tư tưởng và hành động quá khứ
có liên quan đến các hình thức và hành động của chính bản thân ta theo
những cách có thể hiểu được một cách hợp lý tính, không theo Lô-gíc học
truyền thống, mà theo Lô-gíc học của sự xung đột và phát triển của Hegel.
(6) Vì diễn trình lịch sử là hợp lý tính, vận mệnh lịch sử của một học thuyết
hay một lối sống phản ánh giá trị trí tuệ và đạo đức tối hậu của chúng;
“Lịch sử thế giới là tòa án thế giới [tức Phán quyết cuối cùng]” (THPQ,
§340; BKT III, §548). (Câu này được trích từ bài thơ “Resignation”/“Kham
nhẫn” (1786) của Schiller).
Nguyễn Văn Sướng dịch
Lòng tin, Đức tin và Tư kiến [Đức: Glaube(n), und Meinung;
Anh: belief, faith and opinion]