Dù sao, để đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng của Hegel, ta cần phải hiểu
chính ông đã. Và, để làm điều này, ngoài nhiều việc khác, ta cần biết ít
nhiều về sự phức tạp của ngôn ngữ ông. Vì thế, trong Từ điển này, tôi nói
tương đối ít về các nhà tư tưởng chịu ảnh hưởng của Hegel, hay lịch sử về
sau của những thuật ngữ được ông dùng, trái lại, nói nhiều hơn về những
nhà tư tưởng (cả Đức lẫn không phải Đức) đã góp phần định hình ngôn ngữ
và các khái niệm của ông và về sự sử dụng sáng tạo của riêng ông đối với
những gì ông đã được thừa hưởng từ họ. Hegel đề nghị rằng các tác phẩm
hậu kỳ của Plato nên được mở đầu bằng câu đã được Dante đặt trên cổng
vào Địa ngục: “Những ai vào đây hãy từ bỏ hết mọi hy vọng!”. Hegel
không có ý bảo rằng ta đừng đọc những tác phẩm ấy nữa: giá trị Triết học
của chúng, theo ông, tỉ lệ thuận với độ khó của chúng. Các công trình của
Hegel cũng khó tương tự! Nhưng Từ điển này được biên soạn với niềm tin
rằng người đọc không cần phải từ bỏ mọi niềm hy vọng trong việc hiểu
chúng, và, giống như Dante, có thể tái xuất hiện sau khi được làm giàu
thêm từ chúng.
M. I.
Rudolf Haym, trong một trong những quyển sách hay nhất về Hegel: Hegel und seine
Zeit/“Hegel và thời đại ông” (Berlin: Gaertner, 1857), nhấn mạnh tính khách quan cực độ và kéo dài
suốt đời của Hegel.
J. L. Borges, “Everything and Nothing” trong Labyrinths (Harmondsworth: Penguin
Books, 1970) tr. 284-5.
Xem R. Pascal, The German Sturm und Drang (Manchester: Manchester University Press,
1953).
Về ảnh hưởng của Plato trong thời kỳ này, xem J.-L. Vieillard-Baron, Platon et
l”idéalisme allemand (1770-1830) (Paris: Beauchesne, 1979), và G. W. F. Hegel, Leçons sur Platon,
1825-1826, J.-L. Vieillard-Baron dịch và giới thiệu (Paris: Aubier, 1976).