B
Bài Giảng về Mỹ học (Các) [Đức: Vorlesungen über die Ästhetik;
Anh: Lectures on Aesthetics] (MH)
Hegel giảng về MỸ HỌC
ở Heidelberg và ở Berlin vào mùa đông
năm 1801-2, các mùa hè năm 1823 và 1826, và mùa đông năm 1828-9. H.
G. Hotho đã biên tập MH thành ba tập của bộ Các Tác phẩm vào năm
1835, và duyệt lại năm 1842. Các bài giảng thay đổi qua các năm, nhưng
Hotho đã kết hợp các ghi chú của Hegel và các bản viết tay của các sinh
viên về các bài giảng của năm 1823, 1826 và 1828-9. MH thường được đặt
nhan đề hay phụ đề “Các bài giảng về Mỹ thuật” vốn phản ánh nội dung
của chúng một cách chính xác hơn dù Hegel không sử dụng nhan đề này
cho các bài giảng của mình.
Không giống Kant, Hegel xem NGHỆ THUẬT là có một LỊCH SỬ,
và ông quan tâm đến cả NỘI DUNG lẫn HÌNH THỨC của nghệ thuật.
Nhưng trên cả hai phương diện, ông đều có các tiền bối. Herder, trong hồi
đáp cuốn PPNLPĐ của Kant, tức cuốn Kalligone (1800), đã phê phán Kant
vì tập trung vào hình thức của nghệ thuật mà hy sinh nội dung hay TINH
THẦN của nó. Herder nhấn mạnh rằng thi ca khởi nguồn từ TÔN GIÁO,
ngôn ngữ, các tập tục, v.v. của một DÂN TỘC, và ông đã phát triển lối tiếp
cận sinh triển (genetic) hay tiếp cận lịch sử cho khoa phê bình văn học.
Nghệ thuật, giống như mọi thứ của con người, đều có tính lịch sử: vậy nên
không có các quy tắc phi-lịch-sử để đánh giá nghệ thuật, và CÁI ĐẸP là
“có tính lịch sử”, chứ không có tính “tuyệt đối”. Nhưng lịch sử của nghệ
thuật là do Winckelman đề xướng, đặc biệt là trong cuốn History of the Art
of Antiquity [Lịch sử Nghệ thuật của thời cổ đại] (1764). Ông cho rằng
nghệ thuật chia làm ba giai đoạn: thời ấu thơ, thời trưởng thành và thời già
nua. Giai đoạn trưởng thành là giai đoạn của nghệ thuật Hy Lạp, vốn chiếm
phần lớn tác phẩm này. Hegel (giống như Herder) rất kính trọng