diện nhất của tinh thần”. Nó không phải là ảo tưởng hay dối lừa; nó “giải
phóng nội dung thực chất [Gehalt] của các HIỆN TƯỢNG
[Erscheinungen] ra khỏi vẻ ngoài [Schein] và sự dối lừa (Täuschung) của
thế giới tệ hại và phù du này, và mang lại cho chúng một HIỆN THỰC cao
hơn, được sinh ra từ tinh thần”. Vì thế nghệ thuật xứng đáng được nghiên
cứu một cách khoa học. Và vì nghệ thuật về bản chất là tinh thần, chứ
không chỉ cảm tính, nên nó mời gọi sự phản tư Triết học. Thời đại của
chúng ta là một thời đại của sự PHẢN TƯ đầy tư tưởng, trong đó “nghệ
thuật không còn mang lại sự thỏa mãn cho các nhu cầu tinh thần mà những
thời đại và những dân tộc trước đây đã tìm thấy nơi nó”, do đó khoa học về
nghệ thuật là “một nhu cầu bức thiết hơn nhiều trong thời đại của chúng
ta”.
Có hai lối tiếp cận truyền thống đối với mỹ học. Một lối tiếp cận bắt
đầu bằng các tác phẩm nghệ thuật hiện có. Theo quan niệm của Hegel, lối
tiếp cận này không những bao gồm sự uyên bác về nghệ thuật, vốn xem xét
toàn bộ các tác phẩm trong bối cảnh lịch sử của chúng, mà còn thường nỗ
lực (chẳng hạn như của Horace) dựa trên một dãy tác phẩm hẹp hơn, để nêu
những quy tắc cho sự sáng tạo nghệ thuật hay các quy tắc đánh giá, các quy
tắc cho sở thích. Hegel cho rằng cả sự sáng tạo lẫn sự đánh giá nghệ thuật
đều không tuân theo các quy tắc đơn giản, và vì vậy đã chào đón sự nhấn
mạnh theo hướng ngược lại gần đây về người nghệ sĩ như là tài năng thiên
bẩm, mà tính sáng tạo của họ không phụ thuộc vào các quy tắc và thậm chí
phá vỡ bất kỳ quy tắc nào được gán cho nó. Hegel cho rằng điều này đánh
giá thấp tri thức và tài khéo đòi hỏi nơi người nghệ sĩ, nhưng nó cho phép
mở rộng sự nhạy cảm thẩm mỹ của chúng ta để bao hàm nghệ thuật xa lạ,
chẳng hạn như nghệ thuật Ấn Độ. Lối tiếp cận thứ hai, điển hình nơi Plato,
là khảo sát khái niệm trừu tượng về cái đẹp. Theo quan niệm của Hegel, cả
hai lối tiếp cận đều không thích đáng. Chúng ta phải phát triển một KHÁI
NIỆM về cái đẹp đủ CỤ THỂ để giải thích sự xuất hiện của các loại hình
và các tác phẩm nghệ thuật đặc thù.