“Từ điển” chuyên ngành. Từ điển Triết học có thể thật sự trở thành người
bạn đồng hành thường xuyên với bạn đọc yêu thích Triết học:
- Cung cấp những thông tin đáng tin cậy và có hệ thống về từng khái
niệm, từng vấn đề hay hệ vấn đề Triết học của tác giả có liên quan.
- Bao quát diễn trình tư tưởng của tác giả từ lúc bắt đầu cho đến cuối
đời, giúp ta tránh được cái nhìn phiến diện và những kết luận vội vàng, nhất
là ở những quan niệm then chốt của tác giả.
Trong ý nghĩa đó, Từ điển thật sự là một “giáo trình” vô song, từ chỗ
giúp ta làm quen sơ bộ với những gì mới mẻ, lạ lẫm nơi mỗi triết gia đến
chỗ thâm nhập sâu vào hệ thống khái niệm và cung cách tư duy của triết gia
một cách vững chắc qua việc trở đi trở lại với những vấn đề cốt lõi và việc
tham khảo / kiểm tra chéo các thuật ngữ “chìa khóa”. Kinh nghiệm cho
thấy việc kiên nhẫn “đọc” Từ điển cũng đồng thời là cách “học” và “ôn
tập” hiệu quả, cả trước lẫn sau khi đọc chính văn bản của tác giả.
Chúng tôi hân hạnh giới thiệu TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC HEGEL trong ý
định và ước nguyện khiêm tốn ấy.
Về hành trình tư tưởng của Hegel và đóng góp to lớn của ông trong
việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ Triết học nói chung và ngôn ngữ
Triết học Đức nói riêng, xin độc giả đọc hai bài giới thiệu súc tích của soạn
giả ở đầu sách. Về cách trình bày, - như trong quyển TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC
KANT trước đây -, chúng tôi xin phép sắp xếp lại, căn cứ vào thứ tự chữ cái
trong tiếng Việt và có phần Chỉ Mục đầy đủ về thuật ngữ ở cuối sách (Việt-
Đức-Anh, Đức-Anh-Việt và Anh-Đức-Việt).
Từ điển này tập trung vào khoảng 100 thuật ngữ theo chốt của Triết
học Hegel, giải thích và trình bày cặn kẽ từ gốc từ nguyên cho đến tiến
trình phát triển của chúng. Chúng tôi tin rằng bạn đọc khó tính nhất cũng sẽ
thấy hài lòng trước nỗ lực đặc sắc của soạn giả khi giới thiệu những tư