tưởng khó khăn, phức tạp của Hegel một cách vừa sáng sủa, vừa chặt chẽ,
chuẩn xác, đáp ứng các yêu cầu rất cao về học thuật.
Thiết tưởng không cần nói nhiều về những khó khăn, thách thức mà
tập thể dịch giả phải đương đầu với thuật ngữ và tư tưởng Hegel, triết gia
đỉnh cao của Triết học cổ điển Đức vốn nổi tiếng là uyên thâm và khó hiểu.
Thật lòng, chúng tôi thấy chưa đủ điều kiện để đến lúc “tự biện minh” một
cách thật rành mạch cho đường lối và phương pháp phiên dịch Triết học
Hegel sang tiếng Việt của chúng tôi, vì đây chỉ mới là sự thử nghiệm ban
đầu để mong được lĩnh giáo từ các bậc cao minh, với niềm hy vọng rằng
dần dần sẽ đạt được sự đồng thuận chung, hay ít ra, một quy ước tạm thời
nào đó.
“Ông (Hegel) cho rằng điều quan trọng cho sự phát triển của một dân
tộc là phải sở hữu cho được những sản phẩm văn học và văn hóa bằng tiếng
mẹ đẻ (...). Vì thế, mục tiêu của ông là “dạy cho Triết học biết nói tiếng
Đức”, cũng giống như “Martin Luther đã làm cho Kinh Thánh nói tiếng
Đức và Ngài [Voss] cũng làm giống như thế đối với Homer”” [thư của
Hegel cho Voss năm 1805, Voss dịch Odyssey (1781) và Iliad (1793) sang
tiếng Đức] (Ngôn ngữ Hegel, đầu sách).
Hegel đã thành công trong cao vọng không giấu giếm nói trên, còn
chúng tôi chỉ có thể lấy đó làm nguồn cảm hứng và cổ vũ cho những nỗ lực
bền bỉ chưa biết bao giờ mới thành hiện thực! Nguồn cảm hứng ấy hy vọng
sẽ giúp chúng tôi có thêm nghị lực để sớm cho ra mắt TỪ ĐIỂN TRIẾT
HỌC DESCARTES, và sẽ tiếp tục với một số đại triết gia trong bộ Từ điển
đáng quý này cũng như một số triết gia đương đại khác.
Bùi Văn Nam Sơn
Thay mặt tập thể dịch giả
Xuân Ất Mùi 2015