chúng mà chúng không biết. Hãy quan sát chúng cho kỹ, và các bạn sẽ
thấy thương hại cho bài học của ông giáo sư vô vị và cho việc mô
phỏng người mẫu vô vị của các bạn. Tôi thật ái ngại cho các bạn, các
bạn ạ, nếu một ngày kia các bạn phải đem cái giản dị và cái chân thật
của Le Sueur thay thế cho tất cả những cái giả dối mà các bạn đã học
được! Và sẽ cần như thế lắm nếu các bạn muốn là một cái gì đó.
“Bộ dạng là một chuyện, động tác lại là chuyện khác. Mọi bộ
dạng đều giả dối và tầm thường; mọi động tác đều đẹp đẽ và chân
thật.”
“Sự tương phản bị hiểu sai lệch đi là một trong những nguyên
nhân tai hại của cái kiểu cách. Chỉ có sự tương phản nảy sinh từ đáy
sâu của động tác, hay từ tính chất đa dạng của lục phủ ngũ tạng, hoặc
của hứng thú, mới là sự tương phản thực sự mà thôi. Các bạn hãy xem
Raphaël, Le Sueur; đôi khi các ông bố trí ba, bốn, năm hình người
đứng bên cạnh nhau, và hiệu quả thật là tuyệt vời. Trong lễ mi-xa hoặc
lễ đọc kinh chiều ở Chartreux, người ta thấy ngồi thành hai dãy dài
song song từ bốn chục đến năm chục giáo sĩ, ghế gỗ như nhau, công
việc như nhau, quần áo như nhau, thế nhưng không có lấy hai giáo sĩ
nào giống nhau; các bạn đừng tìm sự tương phản nào khác ngoài sự
tương phản phân biệt họ với nhau. Đó là cái chân thật; mọi cái tương
phản khác đều nhỏ nhặt và giả dối”.
Nếu các học sinh ấy hơi có ý muốn nghe theo những lời khuyên
của tôi, tôi sẽ còn bảo họ: “Chẳng phải đã khá lâu rồi các bạn chỉ nhìn
thấy một phần của đối tượng mà các bạn sao chép thôi hay sao? Các
bạn ơi, các bạn hãy cố gắng hình dung toàn bộ hình người trong suốt
và đặt con mắt của các bạn vào trung tâm; từ đấy, các bạn sẽ quan sát
toàn bộ sự chuyển vận bên ngoài của cơ chế; các bạn sẽ thấy một số
bộ phận giãn ra trong khi một số khác co lại như thế nào; một số kia
xẹp xuống trong khi một số này phồng lên ra sao, và luôn luôn băn
khoăn đến một cái tổng thể và một cái toàn bộ, các bạn sẽ có thể phô
bày ra được, trong một phần của đối tượng mà bức vẽ của các bạn nêu