chàng tội nghiệp, và trước sau vẫn anh chàng tội nghiệp ấy, người ta
thuê mỗi tuần ba lần đến cởi quần áo ra và ngồi đờ như phỗng theo ý
của một vị giáo sư, chúng có gì là chung với các tư thế và các động tác
của tự nhiên? Có gì là chung giữa người kéo nước ở giếng sân nhà
ông, với người không có xô nước nặng như thế để kéo, mà làm giả
một cách vụng về động tác ấy, với hai cánh tay giơ cao, trên bục
trường học? Có gì là chung giữa người giả vờ chết ở kia với người tắt
thở trên giường của mình, hoặc bị đánh chết ngoài phố? Có gì là
chung giữa tay đấu vật đứng mẫu kia với tay đấu vật ở đầu phố tôi?
Người đàn ông kia hoặc van xin, hoặc cầu nguyện, hoặc ngủ, hoặc
nghĩ ngợi, hoặc ngất đi tùy theo ý ta, hắn có gì là chung với bác nông
dân mệt nhọc ngả mình trên mặt đất, với nhà triết học trầm tư bên góc
lò sưởi, với người ngạt thở ngất đi trong đám đông? Không một chút
nào cả, ông bạn của tôi ơi, không một chút nào cả.
Có lẽ tôi cũng không kém phần mong muốn rằng sau khi ở đấy đi
ra, để cho sự phi lý được trọn vẹn, các học trò được gửi đến học vẻ
duyên dáng tại nhà Marcel hoặc Dupré
, hoặc bất cứ một thầy dạy
múa nào tùy thích. Khi ấy, sự thật tự nhiên bị quên đi, trí tưởng tượng
chất đầy những động tác, những tư thế và những hình dạng giả dối,
mất tự nhiên, lố bịch và lạnh lùng. Chúng được chứa trong đó; và
chúng sẽ từ đó đi ra để bám vào vải vẽ. Lần nào cũng thế, nhà nghệ sĩ
cứ cầm lấy bút chì hay bút vẽ là những bóng ma cau có ấy sẽ thức dậy,
sẽ xuất hiện trước mắt anh; anh sẽ không thể nào lãng quên chúng đi
được; và sẽ là một điều kỳ diệu nếu anh yểm được chúng, để xua
chúng ra khỏi đầu anh. Tôi quen biết một chàng thanh niên có óc thẩm
mỹ tinh tế, chàng ta trước khi hạ bút vẽ tranh là quỳ xuống và khấn:
“Lạy Chúa, hãy giải thoát cho con khỏi người mẫu”. Nếu như ngày
nay rất hiếm khi được xem tranh vẽ một số hình người mà không thấy
rải rác chỗ này chỗ kia vài ba khuôn mặt, tư thế, động tác, dáng điệu
kinh viện làm cho người có óc thẩm mỹ ngán chết đi được, và chỉ có