tất đều do trí tưởng tượng bịa đặt; cả trong toàn bộ đề tài mà nghệ sĩ
chưa bao giờ nhìn thấy ở bên ngoài cái đầu óc trống rỗng của mình; cả
trong những chi tiết chẳng biết anh ta lấy ở đâu ra; cả trong cái kiểu
cách người ta gọi là cao cả và trác tuyệt, nhưng không hề có trong tự
nhiên; cả trong những hành động và động tác của các nhân vật, rất xa
với các hành động và động tác thật sự. Ông bạn ơi, ông thấy rõ ràng
đó là cuộc tranh cãi giữa văn xuôi và thơ ca, giữa lịch sử và sử thi,
giữa bi kịch anh hùng và bi kịch tư sản, giữa bi kịch tư sản và hài kịch
vui vẻ.
Theo tôi, thì sự phân chia hội họa thành hội họa phong tục và hội
họa lịch sử là có lý; nhưng giá như người ta đã xem xét kỹ hơn một
chút bản chất các sự việc trong sự phân chia ấy thì hay biết bao. Người
ta gọi là họa sĩ phong tục, một cách không phân biệt, vừa các họa sĩ
chỉ quan tâm đến hoa, quả, súc vật, cây cối, rừng rú, núi non, vừa các
họa sĩ vay mượn các cảnh của họ từ đời sống thông thường và có tính
chất gia đình; Teniers, Wouwermans, Greuze, Chardin, Loutherbourg,
cả Vernet nữa, đều là các họa sĩ phong tục. Nhưng tôi quả quyết rằng
Người cha đọc sách cho gia dinh, Đứa con bất hiếu và Lễ ăn hỏi của
Greuze; rằng Các cảnh biển của Vernet, tác phẩm đã trình bày với tôi
đủ loại sự cố và cảnh tượng, đối với tôi đều là những bức tranh lịch sử
chẳng khác gì Bảy lễ thánh của Poussin, Gia đình Darius của Le Brun
hoặc Nàng Suzanne của Van Loo.
Vấn đề là thế này. Tự nhiên đã tách bạch các thực thể ra thành
thực thể lạnh lẽo, bất động, không sống, không cảm, không nghĩ, và
thực thể có sống, có cảm, có nghĩ. Đường ranh giới ấy đã được vạch ra
từ vạn cổ; đáng lẽ cần phải gọi là họa sĩ phong tục những người bắt
chước cái tự nhiên thô sơ và chết; còn họa sĩ lịch sử, những người bắt
chước cái tự nhiên có tri giác và sống; và cuộc tranh cãi đã chấm dứt
rồi.
Nhưng cứ theo những khái niệm đã được chấp nhận của các từ
ngữ, tôi thấy rằng hội họa phong tục có hầu hết tất cả những khó khăn