nhất cho chuyển động quay; chính nó thường đưa vào trong các tính
toán tài tình của bác những yếu tố mà môn hình học của Viện Hàn lâm
chưa chắc đã nắm được.
Kinh nghiệm và học hỏi! đấy là những điều tiên quyết của cả
người làm ra lẫn người bình phẩm. Sau đó, tôi đòi hỏi phải có xúc
cảm. Nhưng như người ta thấy có những kẻ làm điều chính trực, việc
phúc đức, chuyện tiết nghĩa chỉ là do nhằm cái lợi nào đấy, do tinh
thần và lòng ham muốn trật tự, mà chẳng hề cảm thấy niềm lạc thú và
nỗi khoan khoái trước việc mình làm, thì cũng có thể có khiếu thẩm
mỹ không có xúc cảm, cũng như sự xúc cảm không có thẩm mỹ. Sự
xúc cảm khi đến chỗ cực đoan thì không còn phân biệt gì được nữa;
cái gì cũng làm cho nó bị khích động một cách không rõ rệt. Người
này sẽ lạnh lùng nói với ông: “Cái đó đẹp đấy!”. Người kia sẽ cảm
động, phấn khích, say sưa:
............ Etiam stillabit amicis
Ex oculis rorem; saliet, tundet pede terram
.
Anh ta sẽ ấp úng; anh ta sẽ không tìm ra được từ ngữ để nói lên
trạng thái tâm hồn mình.
Người sung sướng nhất chắc chắn là người sau. Còn người bình
phẩm ưu tú nhất? Đó lại là chuyện khác. Những kẻ quan sát tự nhiên
một cách lạnh lùng, nghiêm ngặt và điềm tĩnh, thường thường biết rõ
hơn cần phải bấm vào những phím đàn nào; họ làm ra vẻ hào hứng mà
đâu có hào hứng; đó là con người và con vật.
Lý trí đôi khi điều chỉnh sự bình phẩm vội vã của xúc cảm; nó
chống lại sự bình phẩm ấy. Do đó mà có biết bao tác phẩm vừa được
tán thưởng xong đã bị quên lãng ngay; biết bao tác phẩm khác chẳng
ai biết đến hoặc bị chê bai, nhưng trải qua thời gian, cùng với sự tiến