DORVAL. - Và ông hãy nói thêm rằng tôi không phải là một kẻ
hợm mình.
TÔI. - Người ta sẽ thấy trong lời tỏ tình ấy vài đoạn thiếu ý tứ...
Các phụ nữ sẽ ráo riết chê tính cách ấy là lố bịch...
DORVAL. - Các phụ nữ nào, thưa ông? Những gái giang hồ thú
nhận một tình cảm hổ thẹn mỗi lần nói: Em yêu anh. Đấy không phải
là Constance; và thật đáng xót xa nếu trong xã hội chẳng có một người
phụ nữ nào giống như cô ấy.
TÔI. - Nhưng cái giọng đó thật bất thường ở rạp hát...
DORVAL. - Mà ông hãy bỏ rạp hát lại đấy; ông hãy trở về phòng
khách; và ông phải thừa nhận rằng ông không thấy chướng tai khi
nghe lời lẽ của Constance ở đây.
TÔI. - Không.
DORVAL. - Thế là đủ. Tuy nhiên, cần phải nói hết với ông. Khi
tác phẩm hoàn thành, tôi đưa cho tất cả các nhân vật đọc để mỗi người
thêm thắt hoặc lược bớt ở vai của minh, và tự mô tả mình cho chân
thật hơn. Nhưng xảy ra một điều tôi chẳng ngờ tới mấy, tuy nhiên điều
ấy lại rất tự nhiên. Đó là họ căn cứ vào tình trạng của họ bây giờ hơn
là tình huống đã qua của mình; chỗ này họ sửa cho từ ngữ dịu hơn,
chỗ kia họ xóa đi một ý kiến; chỗ khác họ chêm vào một tình tiết phụ.
Rosalie muốn mình xem ra ít lỗi lầm hơn dưới con mắt của Clairville;
Clairville muốn tỏ ra còn say mê Rosalie hơn nữa; Constance muốn
nhấn thêm một chút âu yếm với người hiện bây giờ là chồng cô; và sự
chân thực của các tính cách vì thế bị tổn hại ở một vài đoạn. Lời tỏ
tình của Constance là một trong những đoạn ấy. Tôi thấy rằng những
đoạn khác sẽ không thoát khỏi thị hiếu thẩm mỹ tinh tế của ông.
Lời lẽ của Dorval vì ít tính chất ca ngợi quen thuộc trong tính
cách của anh nên càng thôi thúc tôi. Để đáp lại, tôi đi vào những chi
tiết tỉ mỉ hơn mà có lẽ tôi đã xao nhãng.
TÔI. - Thế còn việc uống trà cũng trong lớp kịch ấy thì sao? Tôi
bảo anh.