sinh châu, khiến cho các quý phu nhân đều phải lấy tay che miệng cười, chỉ
có Thôi Thị là không thể cười nổi.
Mấy nữ nhân ngồi đó đều tinh mắt cả, mà cho dù có ngốc một chút thì
cũng có người nhắc cho biết, thế nên ai chẳng nhìn ra nỗi khổ của Thôi Thị.
Mấy người này mặc dù bề ngoài thì tỏ ra cởi mở, nhưng giữa họ lại có sự so
đo tính toán, so chức quan cao thấp của chồng, so sự tài giỏi của con cháu
anh em, so gia thế của con dâu, so con gái gả cho nhà người ta sống sung
sướng hay không.
Nhìn khắp một lượt họ đành công nhận Thôi Thị là người có phúc. Bản
thân bà là con vợ lẽ, lấy chồng cũng là con vợ lẽ, nhưng chồng lại công
thành danh toại, là quan tam phẩm trong triều, mẹ chồng mặc dù không biết
điều, nhưng bà đã ra ở riêng, hai con trai một văn một võ đều giỏi giang, đã
thế trong phủ chồng bà lại không có thiếp thất, cũng không có con trai con
gái của vợ lẽ, con gái thì được gả cho Tứ Hoàng tử làm Vương phi, con dâu
lấy về thì đều có gia thế cao quý, con dâu cả là cháu gái đích tôn của đại nho
đương triều, tài đức song toàn, cô con dâu thứ hai chuẩn bị lấy về là con gái
của Đường Các lão, thiên hạ này có phụ nữ nào có phúc hơn Thôi Thị?
Chưa kể Thôi Thị đều không có điểm nào nổi bật, dung mạo cũng
không phải đẹp nhất, dáng vẻ phong thái cũng không đáng để ca ngợi, chưa
nói đến là nói năng vụng về, ngay cả việc tính toán các khoản chi tiêu hằng
ngày cũng gặp khó khăn, người như vậy được hưởng phúc thì người ngoài
làm sao phục được?
Người ta thấy Tứ Hoàng tử phi có sắc đẹp phi phàm đã lấy chồng gần
một năm rồi mà vẫn chưa có động tĩnh gì nên bình phẩm không ít.
Có người lòng dạ hẹp hòi, miệng lưỡi sắc bén thì nói: “Nghe nói Quan
Âm cầu tự ở Đồng Châu rất hiển linh, lần trước mùng Một đầu năm, tẩu tẩu
của tôi đến đó thắp hương, vậy mà đầu tháng Hai đã mang thai rồi.”