“Mẹ cũng không muốn cha con có thêm con cái, nhưng cả mẹ và cha
đều là con vợ lẽ, mẹ mà làm chuyện này thì chẳng khác nào đánh vào mặt
cha con, thêm nữa lại làm giảm tình cảm vợ chồng. Sống trên đời chẳng qua
là làm những việc tích đức, dù mẹ có quản được Vương di nương không
sinh con, nhưng liệu có quản được lòng của cha con không?”
Thôi Thị nắm tay A Vụ, nói: “A Vật à, con người ta sống trên đời này,
phải làm việc chính trực, không có tâm hại người. Con còn nhỏ thì càng
không nên học mấy thói nham hiểm, sau này còn phải lấy chồng nữa chứ!”
Lời của Thôi Thị hơi nặng rồi. Mắt A Vụ đã ầng ậng nước. Tấm lòng
của nàng là thế, nhưng Thôi Thị không hiểu, dù đã dự đoán được trước
nhưng nàng vẫn cảm thấy tủi thân, mà nỗi tủi thân này nàng lại không thể
thốt nên lời.
Vì tủi thân, A Vụ bực bội nghĩ, mẹ lúc nào cũng tích đức, nhưng có
biết suýt khiến cho bản thân chết vì tức không, lại còn bỏ mặc con cái không
quản nữa chứ. Nếu mẹ ra đi thì bà mẹ kế đó quá được lợi rồi, dù người đó có
tốt đi nữa thì cũng làm sao bằng tấm lòng của người mẹ đẻ với con cái, còn
ai có thể mặc kệ bệnh tật, giá rét may áo cho con như mẹ chứ?
Nhưng A Vụ cũng biết là Thôi Thị chỉ muốn tốt cho mình. Thôi Thị tin
vào Phật, tin vào đạo lý, tin vào luật nhân quả, bà không muốn bất cứ việc
xấu nào xảy ra với A Vụ. Nhưng bà lại không hiểu rằng, ở cái thế giới ỷ
mạnh hiếp yếu này, sự lương thiện của một người cần phải được bảo vệ bằng
bao nhiêu sự tính toán của người khác.
Còn đối với A Vụ, chỉ cần Thôi Thị sống vui vẻ, bình yên là được. Thế
nên nàng cũng không trách Thôi Thị. Nếu bà không là con người như thế thì
làm sao Vinh tam gia luôn gần gũi, nể phục, làm sao có thể khiến A Vụ vì bà
mà tình nguyện tổn hại đến phúc phận của mình được, mà tất cả điều đó
chẳng qua cũng chỉ để cho bà cảm thấy thoải mái mà thôi.