với Vinh tam gia.
Đây chính là căn bệnh chung của các phu nhân. Khi thấy thiếp đẹp, nô
tỳ xinh, các phu nhân thường tỏ ra vô cùng đoan trang với chồng, cố tỏ ra là
mình có sự khác biệt với họ. Nhưng khi đóng cửa phòng the, điều đàn ông
thích không phải là vẻ trang nghiêm như Bồ Tát ấy.
“Ừ, ngươi đi thưởng cho bà coi cửa một ít bạc, bảo bà ấy sau này cứ
tiếp tục mắt nhắm mắt mở cho qua chuyện của Vương di nương nhé!” A Vụ
không những không cắt đứt con đường sau này của Vương di nương, ngược
lại còn “nối giáo cho giặc”.
A Vụ muốn xem Vương di nương rốt cuộc có bản lĩnh gì, nàng phải
hiểu rõ thì mới có kế sách đối phó được. Kế trị nước không phải là chặn
dòng mà phải khơi dòng. Làm như vậy A Vụ đỡ mất công đoán mò, con
người nàng luôn thích xem đối phương khoe con bài cuối cùng rồi mới ra
tay.
Tử Phiến đi rồi, A Vụ cúi đầu lấy tay khuấy đều thuốc bổ trong nồi.
Đây là loại thuốc thu lê mà A Vụ đã sai Tử Nghiên bưng cái lò nhỏ đặt dưới
hành lang, sau đó bắc nồi hầm riêng cho Thôi Thị.
Đây là phương thuốc mà kiếp trước hòa thượng Du Phương đã kê cho
A Vụ. Nước dùng là nước quả lê cuối thu, hầm với xuyên bối, phục linh,
mạch đông, cát cánh, quả la hán, táo tàu, gừng thái lát, đường phèn. Thang
thuốc bổ này không những tiêu đờm nhuận phổi mà vị táo đỏ, gừng trong đó
còn làm ấm tỳ vị, là phương thuốc rất tốt cho sức khỏe. A Vụ tự tay hầm
thuốc vừa là hiếu thuận vừa là không muốn phương thuốc này bị lộ ra ngoài.
Thôi Thị thấy A Vụ bận bịu như thế liền hỏi tỉ mỉ mới biết A Vụ tự tay
hầm thuốc, bà vừa cảm động vừa xót xa. Bà uống một ngụm thuốc trước mặt
nàng và cảm thấy rất hiệu quả.