sau bàn, dáng lưng thẳng tắp, mắt cũng không nhìn A Vụ một cái, có thể
thấy là cực kỳ coi thường học trò này.
Thường thì mời thầy dạy là nữ căn bản chỉ giảng Nữ tứ kinh, Nữ hiếu
kinh, nhưng vì Bạch Tố Tâm tính tình phóng khoáng, tự nhiên, không phải
là hạng “nữ nhi tầm thường” nên hôm nay sẽ giảng Mạnh Tử, có thể coi là
bài học rất sâu sắc.
Đừng nói nữ nhi ở độ tuổi này, ngay cả nam nhi cũng chỉ đọc đến Đại
học hoặc cùng lắm Luận ngữ là cùng. Trong Tứ thư, cuốn Mạnh Tử chỉ đứng
sau Luận ngữ, với một đứa trẻ học vỡ lòng chưa bao lâu như A Vụ, học
Luận ngữ còn khó, nói chi đến Mạnh Tử.
Nhưng Bạch Tố Tâm chỉ để ý đến Vinh Ngũ, trước đó cô đã giảng
Mạnh Tử rồi và cũng không để ý xem những học trò khác có theo kịp hay
không.
Bạch tiên sinh giảng nửa canh giờ về “quyền để biết nặng nhẹ; độ để
biết dài ngắn...” trong cuốn Lương Huệ Vương Thượng. Bạch tiên sinh ngắt
từng câu rồi bảo ba học trò đọc lại vài lần, giảng giải từng câu một, sau đó
gọi Vinh Ngũ đứng lên giải nghĩa, coi Vinh Tứ và A Vụ chỉ là đồ trang trí
cho lớp học.
A Vụ vẫn điềm nhiên như không, riêng Vinh Tứ mười hai tuổi cảm
thấy mù mờ, khó hiểu, cố gắng nghe được một lúc rồi bắt đầu mất tập trung,
chỉ có Vinh Ngũ là vẫn chăm chú lắng nghe.
Bạch tiên sinh cho bài tập làm, sau đó bảo Vinh Tứ và A Vụ ra về, giữ
Vinh Ngũ ở lại nói chuyện.
Vì người đương thời trọng nhân tài, dù là nữ nhi khuê các cũng bị so
sánh học vấn cao thấp, thế nên cầm kỳ thi họa là môn học bắt buộc của các
tiểu thư ở mỗi phủ, tiểu thư ở phủ An Quốc Công cũng không ngoại lệ.