không, cái kia có ít không. Mặc dù được gả vào hoàng thất, nhưng nghe nói
cuộc sống của một Hoàng tử không được ân sủng còn đạm bạc không bằng
cả một vị quan bình thường. Thôi Thị cứ nghĩ đến việc hai trắc phi được gả
vào Phủ Kỳ Vương trước là càng thấy thương xót A Vụ, hận một nỗi không
thể lấy hết mọi thứ ở Vinh phủ để làm của hồi môn cho con.
Thêm nữa, Thôi Thị vạn lần không nỡ xa A Vụ, miệng luôn lẩm bẩm
nếu không phải là Hoàng đế ban hôn thì bà nhất định sẽ giữ A Vụ ở bên
mình đến năm mười tám tuổi mới cho nàng xuất giá. Đổng Tàng Nguyệt
cũng chờ đến năm mười tám tuổi mới có thể gả cho Vinh Giới, về điểm này
thì Thôi Thị không thể không phàn nàn.
Bản thân Thôi Thị không giỏi quản lý việc nhà, những năm qua toàn bộ
đều dựa vào A Vụ sắp xếp đâu ra đấy, bây giờ bà phải tiếp quản, đầu óc đau
nhức, vốn định cưới con dâu cả về sớm một chút nhưng nhà họ Đổng lại
không đồng ý. Thực ra, đây là quy tắc gả con của nhà họ Đổng, không thể
trách họ ngạo mạn được, về phần Thôi Thị, bà chẳng trách được Đổng đại
nho, cũng không thể trách được lão gia nhà mình nên chỉ có thể trách Đổng
Tàng Nguyệt. A Vụ biết tâm sự của mẹ liền an ủi bà vài câu, nói rằng Thôi
Thị chỉ phải chịu nửa năm nữa thôi, mùa xuân sang năm Đổng Tàng Nguyệt
đã có thể gả vào nhà mình rồi.
Về của hồi môn, Vinh tam lão gia, Vinh Ngân, Vinh Giới cũng lén cho
A Vụ không ít. Trong tay A Vụ bây giờ có tiệm Tứ Quý Cẩm, tính ra, của
hồi môn của nàng cũng coi như nhất kinh thành, chỉ có điều tiệm Tứ Quý
Cẩm này không thể công khai. Còn về Thôi Ký, đây là cửa tiệm A Vụ kinh
doanh giúp cho Vinh tam lão gia và Thôi Thị, số vốn ở cửa tiệm Đức Thắng
Bố Trang, A Vụ chia làm hai phần tặng cho hai ca ca của mình. Về phần Cố
Đình Dịch, vì là người không thiếu tiền tiêu nên không tính đến.
Thấy ngày hôn lễ của A Vụ sắp đến gần, Cố Đình Dịch hẹn gặp A Vụ ở
Thôi Ký. Hai năm qua, hai người họ cũng gặp riêng nhiều lần, nhờ có Cố
Đình Dịch, A Vụ cũng biết thêm nhiều tin tức của Trưởng Công chúa, ví dụ