LỜI TỰA
Một cô gái trẻ vừa rời khỏi văn phòng của tôi trong tâm trạng bối rối, đờ
đẫn, pha chút tỉnh ngộ. Đó cũng là tâm trạng tôi thường thấy ở nhiều sinh
viên mới ra trường. Tôi không phải là bác sĩ mà là Giám đốc nhân sự với
nhiệm vụ quản lý nhân viên trong công ty. Công việc thường ngày của tôi
là tuyển dụng nhân viên mới cho công ty, tạo điều kiện cho họ phát triển,
thưởng - phạt khi cần thiết và theo dõi một số vấn đề khác như việc những
nhân viên này về hưu hay tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tất cả những công
việc này diễn ra như một chu kỳ không thay đổi suốt 14 năm qua, dù tôi có
chuyển công tác đến những công ty khác chăng nữa.
Quan sát nhiều sinh viên mới ra trường, tôi nhận thấy trong năm đầu tiên
tiếp xúc với công việc, họ thường bị vỡ mộng. Tôi không nói về sự thất
vọng chung chung, bởi đây là điều khó tránh khỏi đối với bất cứ ai từng đi
làm, mà tôi muốn nói đến sự thất vọng mang tính cá nhân. Bên cạnh đó, tôi
cũng sẽ đề cập đến những yêu cầu cần thiết đối với một công việc chuyên
nghiệp, cách quản lý tiền bạc và nắm được yêu cầu của cấp trên. Trước đây,
khi quan sát một nhân viên trẻ tuổi cố gắng đương đầu với thách thức, tôi
chợt nghĩ: “Mình có thể làm gì để sinh viên mới ra trường nhanh chóng
hòa nhập vào môi trường công sở?”. Trăn trở đó chính là động lực thôi
thúc tôi viết nên cuốn sách này.
Thông qua những chủ đề trình bày trong quyển sách, tôi muốn giúp các
bạn phần nào hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc. Với 14 năm kinh
nghiệm trong vai trò quản lý nhân sự, tôi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ mới
vào nghề phạm phải những sai lầm tưởng là nhỏ nhưng rất đáng tiếc. Hậu
quả là họ để lại ấn tượng xấu trong lòng cấp trên, hoặc cũng vì thế mà họ tự
đánh mất hoài bão nghề nghiệp của mình. Trong những trường hợp ấy, nếu
được hướng dẫn trước đâu là điều nên và không nên làm, chắc chắn những
sai lầm không đáng có như vậy sẽ không xảy ra.