Giờ thì chúng tôi không còn giữ chiếc xe này nữa. Khoảng hai tuần sau
đó, vợ chồng tôi đã bán tống bán tháo nó đi với giá rất bèo. Lý do chính là
nó khiến tôi mệt mỏi và tốn thời gian sửa chữa. Những rắc rối mà nó đem
lại vượt quá tầm kiểm soát của chúng tôi.
Những “rắc rối” này khiến tôi liên tưởng đến trường hợp tương tự - một
nhân viên nào đó có những đóng góp tích cực cho công ty, nhưng bên cạnh
đó, anh ta cũng mắc phải những khuyết điểm không nhỏ. Chẳng hạn:
- Một nhân viên kinh doanh luôn chăm chút cho doanh số anh ta đạt
được, nhưng lại đối xử tệ với các cộng sự của mình khiến nhiều người phải
chuyển sang các bộ phận khác.
- Một nhân viên thiết kế đồ họa có khả năng tạo ra những tác phẩm sáng
tạo độc đáo nhưng anh ta lại ít khi nào hoàn thành dự án đúng thời hạn.
- Một giám đốc dự án là một người đầy năng lực nhưng anh ta lại luôn
tìm đến văn phòng sếp để than phiền về chuyện lương bổng và đòi được
thăng chức.
- Một lập trình viên tạo ra chương trình điện toán nhanh và hiệu quả
nhưng tính khí lại nóng nảy nên nhiều lúc khiến đồng nghiệp tự ái.
Những ví dụ trên cho thấy nhân viên có thể tự làm giảm giá trị đóng góp
của họ đối với công ty, không những thế, họ còn khiến cấp trên gặp khó
khăn, rắc rối. Trong một chừng mực nào đó, cấp trên còn có thể chấp nhận
được, nhưng có những trường hợp nhân viên đó sẽ phải đối diện với nguy
cơ mất việc làm.
Hãy tưởng tượng trước mặt bạn lúc này có một cái cân đĩa. Một đĩa chứa
những đóng góp của nhân viên và đĩa kia chứa những thất vọng và rắc rối
nhân viên đó gây ra cho sếp của họ. Nếu “đĩa đóng góp” của nhân viên
nặng hơn hoặc ngang bằng với “đĩa thất vọng” thì vị giám đốc vẫn có thể
chấp nhận hành vi khó ưa của anh ta.