Nhưng nếu cán cân nghiêng về phía bên kia thì sẽ có lúc sếp hết kiên
nhẫn và sẵn sàng kỷ luật hoặc sa thải anh ta.
Muốn biết mình có phải là một nhân viên chuyên đưa đến những rắc rối
cho cấp trên hay không, bạn có thể làm thử bài tập dưới đây.
- Bạn có thường xuyên đi trễ? Nếu có thì sự chậm trễ này tác động ra sao
đối với công việc của bạn? Cấp trên của bạn có biết điều này không khi họ
luôn mong muốn bạn hoàn tất công việc đúng thời hạn?
- Bạn có ý thức trách nhiệm cao hay chỉ là người nói mà không bao giờ
hoàn thành tốt trách nhiệm và bổn phận của mình? Nếu rơi vào trường hợp
sau thì điều quan trọng không phải là khi nào bạn hoàn tất công việc mà là
bạn có thể hoàn thành công việc được không? Một giám đốc sẽ không bao
giờ chấp nhận chuyện nhân viên cứ khất lần công việc được giao.
- Trong những tình huống căng thẳng, bạn có biết kiềm chế cảm xúc của
bản thân không, hay lúc nào cũng hiếu thắng. Và có khi nào hậu quả của sự
hiếu thắng ấy là cấp trên phải ra tay giải quyết thiệt hại đối với phòng ban
cũng như danh tiếng của công ty không?
Một trong những cách nhanh nhất để cấp trên biết được các vấn đề phát
sinh trong công sở là có người nào đó lên tiếng than phiền. Trong quá trình
làm việc của mình, tôi rất thích nhận những lời than phiền kiểu như: “…
thay vì vậy, chúng ta có thể thực hiện bằng cách…”, hay “… ngoài ra, còn
có nguyên nhân khác là...”. Những lời than phiền kiểu này không chỉ giúp
cấp trên biết được nguyên nhân mà còn mở ra cho họ hướng giải quyết vấn
đề.
Khi muốn than phiền hoặc gặp rắc rối gì, bạn nên tìm đến thảo luận với
sếp, và đừng quên kèm theo ít nhất một giải pháp cụ thể cho vấn đề đó. Nếu
không, chẳng khác nào bạn đang trút mọi bực tức lên sếp rồi bỏ đi. Dần
dần, sếp của bạn sẽ bắt đầu gạt bỏ và hoàn toàn thờ ơ trước những lời than
phiền như vậy.