Trước hết, bạn có ba vai trò riêng biệt, chúng kết hợp với nhau như một
bộ ba ở các mức độ khác nhau và cùng bị ràng buộc về thời gian. Cả ba vai
trò này cần được kết hợp với nhau để đem lại hiệu quả cao nhất. Vậy bạn sẽ
phân chia thời gian cho từng vai trò như thế nào? Tất cả đều như nhau hay
ưu tiên cho một vai trò nào đó?
Trong năm đầu tiên, có thể bạn vẫn giữ được sự cân bằng giữa các vai
trò trong cuộc sống. Dù đi làm nhưng bạn vẫn có thời gian dành cho những
người quan trọng cũng như chăm sóc bản thân, tập thể dục và nghỉ ngơi
thoải mái. Đơn giản vì đây là năm đầu tiên nên yêu cầu và trách nhiệm
trong công việc còn tương đối nhẹ nhàng. Tuy nhiên, theo thời gian, các vai
trò có thể bị mất cân đối lúc nào bạn không hay. Tình trạng mất cân đối này
âm thầm tác động lên bạn từng chút một cho đến khi nó trở thành nếp sống
của bạn. Tại sao điều này này lại xảy ra?
Lý do có thể là do trách nhiệm bạn phải gánh vác ngày càng nhiều hơn.
Bạn không để ý đến điều này bởi sự tăng tiến của nó không đáng kể, cho
tới một ngày nhìn lại, bạn giật mình và nhận thấy “Ồ, mình quá bận rộn,
quá nhiều việc phải làm!”. Điều này có thể xảy ra với mọi lĩnh vực trong
cuộc sống. Nó có thể xảy ra với vai trò “chúng tôi”, bởi càng có nhiều kinh
nghiệm, bạn càng phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong nghề nghiệp,
chuyên môn hơn. Cũng có thể là trong vai trò “cái tôi”, khi những nhu cầu
cá nhân và các mối quan hệ phát triển chầm chậm từ các thói quen cho tới
sự bắt buộc. Hoặc cũng có thể xảy ra đối với vai trò “chúng ta”, khi chúng
phát triển từ những mối quan hệ tốt đẹp cho tới sự gánh vác trách nhiệm
chia sẻ với người khác.
Vì vậy, bạn cần nhận thức được sự mất cân đối này để tránh bị biến
thành nạn nhân của cái mà tôi gọi là “sự quá tải vai trò”. Việc tránh rơi vào
“quá tải vai trò” hết sức quan trọng, nhất là với những người trong giai
đoạn khởi nghiệp, bởi đây là giai đoạn bạn cần xây dựng các thói quen cho
tương lai và cần có sự uyển chuyển để bổ sung các thói quen khi cần.