hai gia đình cũng khá thân thiết. Thấy hai bố con vất vả tự nấu ăn, mỗi bữa
mẹ Tâm lại nấu nhiều hơn một chút để mời “hàng xóm” cùng ăn. Trước
ngày Sơn chính thức nhập viện, Sơn theo Bi xin đi chơi cùng. Khi đi lòng
vòng China Town, Bi mua tặng Sơn một cái nón lưỡi trai xì tin, rồi ân cần
dặn: “Em để dành để mổ xong, phải cạo đầu thì đội che lại cho đẹp trai
ha!”.
Đến ngày hẹn gặp bác sĩ John Thomas, tôi để Bi ở nhà nghỉ ngơi, chỉ đi
cùng Mèo đến bệnh viện. Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những lần nói chuyện
với các bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng còn hơn để Bi hay mẹ Tâm
trực tiếp đối mặt với những điều này.
Sau khi xem phim chụp MRI mới nhất, bác sĩ Thomas xếp lịch để phẫu
thuật cho Bi. Cũng như lần trước, ông nhắc lại những rủi ro của ca phẫu
thuật. Tôi cảm thấy có gì đó bất an trong lòng nên liên tục đặt những câu
hỏi mà bất kỳ người nhà nào cũng sẽ thắc mắc: Bi có chắc chắn sẽ tỉnh lại
không? Tỉ lệ tai biến sau mổ là bao nhiêu %? Tôi cũng nghĩ đến tình huống
xấu nhất: nếu chẳng may Bi không thể vượt qua ca mổ, tôi phải đưa em về
Việt Nam bằng cách nào? Tâm trạng tôi hoang mang như đứng trước một
ngã tư mà không biết mình phải đi tiếp hướng nào.
Bác sĩ Thomas vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ tư vấn cho bệnh nhân:
- Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị bằng tia
Novalis. Nếu không khối u sẽ nhanh chóng phát triển trở lại, với tốc độ
nhanh và nguy hiểm hơn so với trước khi phẫu thuật.
Tôi cũng biết, khối u cũng giống như một đứa trẻ hung dữ. Nếu để yên,
thì tốc độ phát triển sẽ chậm hơn, nhưng chỉ cần đụng dao kéo vào thì nó sẽ
lớn lên cực kỳ nhanh. Nhưng nếu vừa phẫu thuật, vừa điều trị tia phóng xạ,
chi phí sẽ tăng gấp đôi, trong khi tôi chỉ gom đủ tiền cho Bi thực hiện một
trong hai phương pháp điều trị. Tôi cảm thấy vừa bất lực vừa hoang mang
là phải lựa chọn phương án nào? Và liệu nếu chỉ chọn một trong hai thì có
ảnh hưởng gì đến Bi? Đến giờ trong lòng tôi vẫn luôn bị ray rứt vì đã không