thánh xin từ đền Tuệ Tĩnh về. Mèo cũng tò mò ăn thử, và nhăn mặt vì loại
lá cây thô ráp kia chẳng dễ nuốt chút nào khi ăn sống. Vậy mà nhìn em ăn
một cách ngon lành và mãn nguyện, đôi lần tôi cũng tin rằng đó là một món
rất ngon…
Dĩ nhiên, lá Hoàn Ngọc không phải là thần dược để có thể giúp sức
khỏe của Bi hồi phục. Ngay cả sâm Ngọc Linh đắt tiền cũng chẳng mấy tác
dụng trong việc kéo chậm lại sự tụt dốc sức khỏe của em. Đêm cuối cùng
tôi ở Hà Nội, Bi nhỏ nhẹ: “Bệnh của em có vẻ càng ngày càng nặng, em lo
quá. Anh coi đợt này xong, một hai tuần nữa anh cho em về Sài Gòn luôn
đi. Có thể cách trị của thầy Long hợp với người khác nhưng nó không có
tác dụng với em. Chữa bệnh còn tùy thuộc vào hợp thầy hợp thuốc, mình
không trách người ta được. Hay là mình cứ mua thuốc và sâm vào Sài Gòn
để uống tiếp. Trị bệnh không hết mà cứ ăn dầm nằm dề ngoài này vừa chán
vừa tốn tiền. Về rồi mình tính cách khác”.
Một tuần sau, tôi quyết định cho Bi và Mèo quay về Sài Gòn, gần như
đồng nghĩa với việc từ bỏ hi vọng từ Nam Y Đạo Pháp, dù vẫn mua trữ sẵn
nhiều thuốc và sâm để Bi tiếp tục dùng dần. Thật sự tôi cũng căm thù cảm
giác bất lực và không biết phải tính toán con đường tiếp theo cho Bi thế
nào. Nghe Mèo kể lại, suýt nữa Bi không được tiếp viên cho lên máy bay vì
dáng đi của em quá loạng choạng và có dấu hiệu không nhìn rõ. Phi hành
đoàn sợ Bi xảy ra điều gì bất trắc nên bắt Mèo phải ký giấy cam đoan gia
đình tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố sức khỏe gì. Tôi thở phào nhẹ
nhõm, nếu chần chừ thêm ít lâu nữa, chẳng biết em có còn đủ sức khỏe để
nằm tàu hỏa về nhà? Giờ đây tôi không còn dám trông đợi gì hơn, chỉ cầu
mong Bi vẫn còn nhìn thấy được, nhận thức được, và vẫn còn có thể nở nụ
cười là mọi người đã cảm thấy quá an ủi rồi...